Xin chú cho đọc giả Suối Nguồn biết những yếu tố căn bản cũng như đặc điểm âm thanh của đàn Tranh


Thơ Thơ: Xin chú cho đọc giả Suối Nguồn biết những yếu tố căn bản cũng như đặc điểm âm thanh của đàn Tranh.

Trần Quang Hải: Đàn Tranh có kích thước nhỏ nhứt trong các cây loại đàn tranh ở Á châu. Thùng đàn dài từ 100cm tới 110cm. Một đầu rộng từ 17 cm tới 20cm. Một đầu nhỏ rộng từ 12cm tới 15 cm. Mặt âm bảng (soundboard / table d’harmonie) làm bằng cây ngô đồng hình cầu vòng (semi circular /semi circulaire) (hiện nay ở Việt Nam mặt âm bảng làm bằng ván thường nên không có tiếng vang tốt và ván không được ngâm trong nước đúng tiêu chuẩn nên khi xuất cảng ra hải ngoại, mặt âm bảng các cây tranh hiện nay thường bị nứt vì độ sưởi ở các quốc gia Âu Mỹ). Thành đàn làm bằng gỗ trắc. Đáy đàn làm bằng một miếng ván có khoét ba lỗ: lỗ hình bán cầu ở phía dưới đầu đàn để có chỗ cột dây đàn cho đừng bi. tuột dây ; lỗ thứ nhì hình chữ nhựt ở giữa đáy đàn dùng để cho người đàn có nơi để xách đàn ; và lỗ thứ ba tròn và nhỏ dùng để treo đàn trên vách tường sau khi đàn xong, một cách trang trí vách tường trong phòng khách và cũng là một dấu hiệu cho phái nam tới nhà biết là trong nhà có con gái. Đầu đàn có một sợi dây bằng đồng uốn cong gọi là “cầu đàn” dùng làm điểm tựa cho 16 dây đàn bằng thép (ngày xưa dây đàn tranh bằng tơ xe lại cho tới cuối thế kỷ 18, bằng thau cho tới đầu thế kỷ 20 và từ đó bằng thép). Mỗi sợi dây căng từ cầu đàn tới trục đều chạy trên một con nhạn (còn gọi là “ngựa đàn” (bridge / chevalet). Nhạn có thể di chuyển tùy theo cách lên dây theo điệu Bắc, Nam, Xuân, Ai, Đảo, Oán, vv… Âm vực của đàn tranh cổ truyền là ba bát độ. Hiện nay có đàn tranh với 25 dây gồm có 4 bát độ với quãng 6 trưởng. Theo truyền thống miền Trung và Bắc, người đàn tranh sử dụng ngón tay cái, trỏ và giữa của bàn tay mặt hoặc với móng tay thật để đài mà khảy nhưng âm thanh phát ra không được trong, hoặc với móng gảy (plectrum / onglet) đeo vào đầu ngón tay. Ở miền Nam chỉ dùng hai ngón tay: cái và trỏ mà thôi.

Có nhiều thủ pháp cho tay mặt rất được phổ thông cho đàn tranh. Cách gẩy lướt trên các dây đàn tạo thành một chuổi âm dài. Có hai cách đàn chữ Á. Á xuống gẩy với ngón cái từ các âm cao đến âm thấp khoảng 7 hay 8 dây liên bậc Á lên gẩy với ngón tay trỏ từ âm thấp tới âm cao.

Kỹ thuật này rất được ưa thích tại Việt Nam và nhứt là các nhạc sinh thế hệ trẻ sau này thường đàn trong các nhạc phẩm mới sáng tác.

Ðánh chồng âm, hợp âm thường được thấy trong nhạc đàn tranh, có nghĩa là hai âm thanh cùng đánh một lúc tạo thành hai âm cách nhau một quãng tám, gọi là song thanh (miền Nam), hay song long (miền Bắc), có khi liên bậc hay có khi cách bậc. Ðánh song huyền là cách đánh hai dây cùng một lúc nhưng âm thanh không cách nhau một quãng tám như song long/song thanh mà có thể là quãng 2, 3, 4, 5 v.v.

Ðánh nhiều dây là đánh cùng một lúc ba hay bốn dây tạo thành một hợp âm. Kỹ thuật này mới được áp dụng sau này có chiều hướng tây phương. Ngón vê là dùng các ngón tay mặt gẩy liên tục thật mau trên một dâỵ Có thể vê hai dây.

Một số thủ pháp như ngón láy rền, ngón vuốt, vv... làm tăng thêm sự phong phú của kỹ thuật đàn tranh Việt Nam Thủ pháp của bàn tay trái góp phần để tạo rõ hiệu quả âm thanh tính qua các ngón rung, ngón nhấn, ngón vỗ. Mấy lúc sau này tay trái còn được sử dụng phối hợp với bàn tay mặt để đánh các chồng âm hay một vài kỹ thuật khác. Thủ pháp tay trái gồm có:

Ngón rung là dùng 2 hay 3 ngón tay trái rung nhẹ trên sợi dây tạo một âm thanh phát ra giao động như làn sóng nhỏ Ngón nhấn có thể nhấn nửa bậc, một bậc hay một bậc rưỡi Ngón nhấn láy được dùng rất thường ở đàn tranh Ngón vỗ dùng ngón tay mặt gẩy dây cùng một lúc ngón tay trái vỗ và nhấc lên ngay.

Ngón vuốt dùng tay mặt gẩy đàn, tiếp theo dùng 2 hay 3 ngón tay trái vuốt trên dây đàn đó làm tăng sức căng của dây đàn một cách đều đều, liên tục âm thanh được nâng cao lên nửa cung hay một cung là thủ pháp của tay trái mà trước đây quá ít người biết sử dụng. Có thể gẩy bằng hai tay để tạo thêm chồng âm. Thường là tay trái gẩy những âm rải trong khi tay mặt phải sử dụng ngón vê, hoặc trong khi tay mặt nghỉ. Ðôi lúc có thể gẩy giai điệu trong bản nhạc, đặc biệt là những đoạn nhạc êm dịu, trữ tình. Bồi âm là kỹ thuật mới bắt nguồn từ kỹ thuật đàn bầu, nghĩa là chạm cạnh bàn tay trái lên giữa dây đành tính từ cầu đàn tới con nhạn trong khi tay mặt gẩy dây đó.

navigate to previous page of article navigate to next page of article