Xin chú giới thiệu xuất xứ của đàn tranh?


Thơ Thơ: Một lần nữa xin cám ơn chú đã rất nhiệt tình ủng hộ cũng như chia sẻ những kiến thức về âm nhạc với các độc giả Suối Nguồn. Để không mất thời gian, cháu xin đặt câu hỏi đầu tiên về nhạc cụ đàn Tranh: Xin chú giới thiệu xuất xứ của đàn tranh.

Trần Quang Hải: Đàn Tranh có lẽ là cây đàn được nhiều người Việt biết tới nhiều nhất hiện nay. Đàn Tranh xuất xứ từ bên Trung Quốc. Chữ “Tranh” có nghĩa là “tranh luận”, “cãi nhau”. Từ đó mới có giả thuyết cho rằng ngày xưa bên xứ Tàu dưới thời nhà Tần, có một gia đình nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tranh trong một vùng đất bên Tàu. Ông thầy có hai người con trai học đàn tranh. Lúc đó đàn tranh có 25 dây. Một hôm hai cậu con trai tranh nhau cây tranh duy nhứt trong nhà để dành đàn. Người cha bị quấy rầy bởi cuộc tranh cãi, tức giận mới mang cây đàn ra chẻ làm đôi, làm hai cây đàn tranh, một cây 13 dây (hiện còn thấy ở miền Bắc xứ Trung quốc, và cây đàn tranh KOTO cu?a Nhựt) và một cây 12 dây (hiện còn được thông dụng ở Đại Hàn và Mông Cổ). Một giả thuyết khác cho rằng ông Mông Điềm, một thượng quan nhà Tần, sáng chế ra đàn tranh bằng cách chặt cây tranh ra làm hai làm thành hai cây tranh nhỏ 12 và 13 dây.

Theo GS Nguyễn Hữu Ba, một truyền thuyết cho rằng có một gia đình nhạc sĩ dạy đàn tranh 32 dây. Ông thầy có hai cô con gái thích học đàn tranh với cha. Bình thường người em nhường cho chị đàn trước rồi người em đàn sau. Bỗng một hôm, ngươì em dành đàn trước. Hai chị em lời qua tiếng lại làm quấy rầy giấc ngủ của người cha. Ông bực mình mới mang cây đàn 32 dây ra cắt đôi, đóng hai cây đàn tranh mỗi cây 16 dây. Từ đó mới có đàn tranh 16 dây ở Việt Nam.

Ở Việt Nam đàn tranh xuất hiện vào thời kỳ nào, chưa ai có thể xác định rõ. Điều chắc chắn là đàn tranh được nhắc đến trong đoạn miêu tả dàn tiểu nhạc dưới thời nhà Trần (1225-1400) trong quyển “Vũ Trung Tùy Bút “ của Phạm Đình Hổ. Ông Phạm Đình Hổ cho biết là đàn tranh thời đó chỉ có 15 dây chứ không phải 16 dây hay hơn nữa bây giờ ở Việt Nam, và được khảy bằng móng bằng bạc hay bằng hai thanh sậy nhỏ gõ lên dây đàn giống như cách gõ trên đàn tam thập lục. Nhưng cách gõ bằng thanh sậy nhỏ ngày nay bị thất truyền.

navigate to next page of article