“LẠC” LÀ LÚA GẠO


Chữ “lạc” đọc theo âm Hán Việt là “lạc”, nhưng đọc theo âm tiếng Hoa là “lo, ló, hay lô...” Như vậy, cách tốt nhất nên tìm nghĩa của chữ có âm “lo, ló, lô” trong tiếng cổ Việt là gì?

Xin hãy bắt đầu bằng tục ngữ, là những lời nói bình dân phổ thông có vần điệu của mọi người. Tại miền Quảng Bình, phía bắc Trung phần, có câu tục ngữ: “Cơm mô [đâu] cho vừa bụng chó, ló mô cho vừa bụng gà”. Chữ “ló” trong câu nầy có nghĩa là “lúa”, vì từ Thừa Thiên ra đến Nghệ An, dân chúng nông thôn đều hiểu và nói thường ngày chữ “ló”, nghĩa là lúa. Ngoài ra, ai cũng biết người miền núi và cao nguyên Việt Nam đều trồng một loại lúa gạo gọi là lúa lốc. Chữ “lốc” cũng là một lối đọc từ chữ “ló” mà ra. Gần đây, xuất hiện hai bộ từ điển tiếng Việt là Từ điển đồng nguyên (viết trên CD) của ông Nguyễn Hy Vọng, và Từ điển tiếng Huế của ông Bùi Minh Đức (California: Nxb. Tâm An, 2001, tr. 271), đều viết rằng “ló” có nghĩa là “lúa gạo”. Theo tác giả bộ Từ điển đồng nguyên, từ ngữ nầy hiện vẫn được dùng ở một số sắc tộc miền núi nước ta như người Mường, người Bờ-ru (Brou), người Mon..., và nhiều sắc dân Đông nam Á.

Có hai chi tiết đáng chú ý trong câu viết của sách Thủy kinh chú, khi trích dẫn Giao Châu ngoại vực ký: “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu. Đa vi Lạc tướng...” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm. Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc vương, Lạc hầu. Có nhiều Lạc tướng...)

Chi tiết thứ nhất là “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ.” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm.). Tùy thủy triều lên xuống mà cày cầy, thì rõ ràng ruộng Lạc là loại ruộng lúa nước, nghĩa là lúa gạo chứ không phải lúa mì hay lúa mạch ở ruộng khô.

Theo Phan Khoang, “từ đời Tây Châu [1186-771 TCN] trở về trước, người Hoa chỉ chiếm lưu vực sông Hoàng Hà...”(12) Điều nầy rất dễ nhận thấy nếu chịu khó mở bất cứ một bản đồ nào về nhân chủng và dân số Trung Hoa qua các thời đại trong các sách Anh ngữ viết về Trung Hoa cổ đại trong các thư viện Bắc Mỹ. Người Trung Hoa cổ đại sống ở thung lủng sông Hoàng (Hoàng Hà), trồng (lúa) mì, (lúa) mạch và kê ở ruộng khô, chưa biết lúa gạo ở ruộng nước.

Một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho biết: “Thuật trồng lúa gạo và thuần hóa gia súc chắc chắn [Trung Hoa] đã tiếp thu từ các sắc dân tầm thường ở miền nam xa xôi hẻo lánh [nam Man].” (nguyên văn: “The arts of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south.”

Cũng nhà nghiên cứu nầy cho rằng Đức Khổng Tử (13) “sống chủ yếu bằng loại bánh làm bằng kê” (nguyên văn: “...Confucius have subsisted chiefly on millet cakes...”), và “Khổng Tử chưa bao giờ thưởng thức trà, và chắc chắn rằng Vương Xung, sáu thế kỷ sau, cũng thế.” (nguyên văn: “...Cofucius never tasted tea, and it is doubtful that Wang Ch'ung, six centuries later, did either....”(14) Trà là loại giải khát cũng phát xuất từ miền nam.

Càng ngày càng có nhiều kết quả khảo cứu của các học giả Hoa Kỳ, Nga, Trung Hoa và cả Việt Nam, cho thấy rằng trung tâm đầu tiên trên thế giới của nền văn minh lúa nước là Đông nam Á, rồi từ đó lan truyền đi khắp nơi trên thế giới. Cũng theo các tác giả trên, tâm điểm của trung tâm văn minh lúa nước ở Đông nam Á chính là khu vực Hòa Bình ở Bắc Việt. (15) Hòa Bình nằm trong khu vực uốn khúc sông Đà để đổ lên sông Hồng, gần huyện Mê Linh (tức Phú Thọ, Vĩnh Phúc), quận Giao Chỉ thời cổ Việt, nơi phát tích của Hai Bà Trưng.

“Theo một tư liệu được coi như tiếng nói chính thức của giới nghiên cứu sử học Trung Quốc, quyển An Outline History Of China, do nhà xuất bản Ngoại văn ở Bắc Kinh ấn hành, trong khoảng giữa năm 1973 đến 1978, các nhà khảo cổ đã khai quật được một số lượng rất lớn các di chỉ lúa gạo, xương và các lưỡi mai bằng gỗ đã hóa thạch dùng trong việc trồng lúa ở làng Hemudu, thuộc huyện Yuyao, tỉnh Zhejiang; niên đại các di chỉ này cách nay 7.000 năm.”(16)

Tỉnh Zhejiang (phiên âm theo Pinyin), còn được viết là Chekiang (phiên âm theo Wade-Giles) tức là tỉnh Triết Giang hay Chiết Giang (phiên âm Hoa Việt) bên Trung Hoa, nằm ở phía đông nam sông Dương Tử, phía trên tỉnh Phúc Kiến. Cách nay 7,000 năm có nghĩa là 5,000 TCN, lãnh thổ tỉnh Zhejiang tức Triết Giang hay Chiết Giang chưa thuộc về Trung Hoa. Tài liệu nầy càng cho thấy rõ việc trồng lúa ở Trung Hoa phát xuất từ phía nam mà đi lên.

Người Trung Hoa gọi những người ở phía nam sông Dương Tử là Bách Việt, trong đó Zhejiang tức Triết Giang hay Chiết Giang là nơi cư ngụ của nhóm người Đông Việt. Đông Việt thuộc chủng Việt, chứ không phải là người Hoa (Hán), và ai cũng biết các chủng người Việt ở phía nam sông Dương Tử trong nhóm Bách Việt, có nhiều liên hệ với nhau vào thời cổ đại. Bằng chứng của mối liên hệ nầy là ngày nay, nhiều người địa phương từ tỉnh Triết Giang xuống phía nam, sử dụng một số từ ngữ rất giống tiếng Việt và không có trong tiếng Trung Hoa, vì chính họ cũng gốc từ nhóm Bách Việt, trong đó có Lạc Việt.(17) Hiện nay, vấn đề chủng tộc “Việt” (Yueh) là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm ở các tỉnh đông nam Trung Hoa và cả Đài Loan nữa.

Chi tiết thứ hai trong câu văn của Thủy kinh chú lập lại ý của Giao Châu ngoại vực ký là: “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền... Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu. Đa vi Lạc tướng...” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc... Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc vương, Lạc hầu. Có nhiều Lạc tướng...) Trong câu nầy, chữ “lạc” bắt đầu từ “lạc điền”, sau đó được lặp lại nhiều lần, “lạc dân, lạc vương, lạc hầu, lạc tướng”; tất cả đều bắt đầu bằng chữ “lạc”.

Nếu hiểu chữ “lạc” là lúa nước tức lúa gạo, thì chữ “Lạc điền” nghĩa là “ruộng lạc”, tức là ruộng lúa nước, hữu lý hơn là chữ “lạc” là chim, vì nếu “Lạc điền” là “ruộng chim lạc”, thì ý nghĩa không được chính xác. Có thể có người cho rằng “Lạc điền” là ruộng “người Lạc” thì cũng không đúng, vì trong trình tự câu văn nầy, rõ ràng bắt đầu từ “lạc điền” (ruộng ló tức ruộng lúa gạo). Sau đó tác giả Giao Châu ngoại vực ký mới định danh rằng “Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu chủ chư quận huyện. Đa vi Lạc tướng...” (Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc vương, Lạc hầu để coi quận huyện. Có nhiều Lạc tướng...) Hơn nữa, theo ông Hoàng Văn Chí, không ai nói “Hán điền” (ruộng Trung Hoa) hay “Pháp điền” (ruộng Pháp) nên không thể nói “Lạc điền” là ruộng của “người Lạc”.(18)

Cuối cùng tất cả những “Lạc dân”, “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng” sống bằng “lạc điền” được gọi chung là Lạc Việt, tức là sắc dân Việt cày cấy ruộng lúa gạo để sinh sống, nhắm phân biệt với các sắc dân Việt khác trong nhóm Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử như Mân Việt ở Phúc Kiến, Dương Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Đông Việt ở Chiết Giang... Sắc dân Lạc Việt được nhắc nhiều đến trong sách Hậu Hán thư của Phạm Việp (Fan Yeh, 398-446), nhất là từ giai đoạn Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Tô Định (Su Ting) năm 40 (canh tý) và Mã Viện cầm quân tấn công Hai Bà Trưng năm 41 (tân sửu), xâm lăng Lạc Việt.

navigate to previous page of article navigate to next page of article