CHIM GÌ TRÊN TRỐNG ĐỒNG?


Nếu nói rằng chữ “lạc” không phải là chim lạc, và chữ “lạc” là “lo, ló, lô”, tức lúa gạo, “lạc điền” là ruộng lúa gạo, “Lạc Việt” là người Việt sống bằng ruộng lúa gạo, thì một câu hỏi mới cần được đặt ra là hình chim trên trống đồng là loại chim gì?

Để trả lời câu hỏi nầy, trước hết chúng ta nên đặt thêm một câu hỏi phụ là ở Việt Nam, từ xưa tới nay, loại chim nào là loại chim sống gần với ruộng lúa nước, với nhà nông và với nghề nông nhất? Trả lời câu hỏi phụ nầy là có thể trả lời luôn câu hỏi về hình chim trên trống đồng Lạc Việt, tức trống đồng của những người Việt sống nhờ “lạc điền”, trồng lúa nước tức lúa gạo.

Trên các cánh đồng lúa Việt Nam, có các loại chim thông thường sau đây: chim sẻ, chim mía, chim sâu, chim ột rột hay rột rột (một loại chim có tổ rất đẹp), chim sáo, chim cu đất, chim cu cườm, chim cò, chim hạc... Trong số các loại chim nầy, chim cò và chim hạc, hai loại chim hơi giống nhau, với mỏ dài, cổ dài, cánh dài xem ra có vẻ giống với các hình chim được vẽ trên trống đồng hơn các loại chim khác.

Trên trống đồng, ngoài hình chim, còn có nhiều hình khác nữa trong đó có hình người, có thể là những vũ công, hoặc có thể là những chiến sĩ đang nhảy múa. Những người nầy trang điểm bằng những lông chim dài trên đầu. Trong số các loài chim trên đồng ruộng Việt Nam, chim cò có lông dài, có thể dùng để trang điểm, đeo lên đầu, như hình người trên các trống đồng Lạc Việt.

Sau đây là hình chim bay khắc trên trống đồng Ngọc Lũ được vẽ lại, khá giống với hình ảnh trong câu tục ngữ “Cò bay thẳng cánh” mà thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy trên đồng ruộng Việt Nam. (19)

Ngoài hình vẽ chim bay trên đây, trên các trống đồng Lạc Việt còn có hình vẽ chim đậu trên cành cây.  Xin hãy tiếp tục quan sát: (19)

Ngoài hình vẽ chim bay trên đây, trên các trống đồng Lạc Việt còn có hình vẽ chim đậu trên cành cây. Xin hãy tiếp tục quan sát: (19)

The lac viet drum with two birds standing

Qua hình nầy, có thể có hai câu hỏi được đặt ra:

Thứ nhất hình dạng cổ của con chim. Có thể có ba cách suy đoán hình dạng nầy: 1) Đây có thể là cái bìu dài nơi cổ. Nếu là cái bìu dài ở cổ, thì đây phải chăng là chim bồ nông, một loại chim săn cá? Chim bồ nông cũng là một loại chim có mặt trên đồng ruộng Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam chim bồ nông không phổ thông như chim cò, có nhiều nơi hoàn toàn không có bồ nông, trong khi chim cò tràn đầy khắp nơi, từ bắc chí nam, từ bình nguyên lên cao nguyên, nơi nào có hồ ao, ruộng lúa là có chim cò. 2) Đây cũng có thể là chim cò đang ngậm miếng mồi, vì sau khi bắt được mồi, chim đậu lên cành để nghỉ. 3) Đây có thể là chim cò, và bộ lông chim ở cổ chim bị gió thổi hất tung ra ra.

Thứ hai, tại sao có những chiếc lông bờm dài trên đầu hình chim? Có người trả lời rằng đây không phải là những lông bờm trên đầu cò, nhưng nếu thường sống ở nông thôn Việt Nam, thì có thể thấy được hình ảnh nầy: trong những ngày lộng gió, gió thổi làm cho lông đầu của cò xửng lên khá giống tấm hình nầy. Có thể người xưa chú trọng đến việc trang điểm bằng lông chim nên vẽ lông chim cò theo mô thức mà họ thích. Phải chăng bộ lông dài trên đầu xửng lên là nét độc đáo của cò, nên sở Bưu Điện Hoa Kỳ ghi lại hình ảnh nầy trên tem thư (stamp) phát hành năm 2003? Đây là hình loại “snowy egret”, một trong những loại cò sống từ miền nam Hoa Kỳ xuống tới Chile và Argentina. Lông chim dài, trắng như tuyết, rất đẹp; dân chúng thích săn bắt loại cò nầy để lấy lông làm đồ trang điểm, nên hiện nay chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh cấm săn bắt loại chim nầy để bảo vệ chim khỏi bị tuyệt chủng.

blue USA 37 cent stamp with stork image

blue USA package of twenty 37 cent stamps with stork image

(Hình bao đựng 20 tem thư loại 37 xu có hình cò)

Chim cò hiện diện trên khắp lãnh thổ Việt Nam, ở miền bình nguyên cũng như trên các cao nguyên. Cò chuyên bắt cá, tôm, tép, cua, ếch, nhái trên các ao hồ, sông ngòi và nhất là trên các cánh đồng lúa nước. Cò gắn liền với đời sống nông nghiệp, bàng bạc trong ca dao tục ngữ Việt Nam. Cò có chân dài, bước trên ruộng nước lúp xúp để kiếm mồi, mỏ dài để thò xuống nước bắt mồi, và cò dễ kiếm mồi ở những ruộng nước đục (đục nước béo cò). Đôi khi cò giẫm hư lúa của nhà nông. Vì vậy ca dao có câu:

“Cái cò cái vạc cái nông,
Sao mày giẫm lúa nhà ông hởi cò?
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi...”

Bất cứ khi nào ra đồng cày cấy, nhà nông cũng gặp ngay con cò, dù sáng sớm hay xế chiều, kể cả phải kiếm ăn ban đêm:

“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...”

Thân cò mảnh khảnh, lại rất siêng năng, kiếm sống suốt ngày, không khác gì người phụ nữ Việt Nam, cần cù làm việc trên các cánh đồng để nuôi nấng gia đình, thay cho chồng lên đường theo phận sự nam nhi:

“Thân cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng...”

Câu ca dao nầy đưa chúng ta liên tưởng đến hình ảnh bà Trần Tế Xương, một phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, do chính chồng bà ghi lại:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.(20)

Tất cả những câu ca dao, tục ngữ, bản nhạc, bài thơ trên đây cho thấy tâm tình của người dân Việt Nam nói chung, và đặc biệt nông dân Việt Nam nói riêng, rất gần gũi với chim cò. Như thế chắc chắn vào thuở bình minh của lịch sử dân tộc, người Lạc Việt cũng tiếp cận thân thiết với con cò trong khi cày cấy đồng ruộng mà theo Giao Châu ngoại vực ký là loại ruộng nước. Loại ruộng nước rất thích hợp với đời sống con cò.

Ngày ngày, người nông dân thuở sơ khai gặp gỡ thường xuyên con cò đi kiếm ăn trên những cánh đồng lúa nước, nên hình ảnh của con cò gắn liền với đời sống của họ, thấm đậm trong tâm tư tình cảm của họ. Vì vậy, có thể người Lạc Việt đã ghi lại hình ảnh con cò trên các trống đồng của mình. Nói cách khác, hình chim trên trống đồng Lạc Việt có thể là những con cò trên đồng lúa cổ Việt, và chủng loại cò đó tồn tại mãi cho đến ngày nay ở Việt Nam.

Khi giải thích chữ “Lạc Việt” và hình chim trên trống đồng Lạc Việt, những nhà nghiên cứu từ Đào Duy Anh đến Nguyễn Phương chỉ chú trọng đến những bộ từ điển có tính cách hàn lâm Nho học của Trung Hoa, mà không nhìn lại những bộ từ điển Việt Nam như Annamiticum-Lusitanum, et Latinum (năm 1651) của linh mục Alexandre de Rhodes, Đại Nam quấc âm tự vị (năm 1895) của Huình Tịnh Paulus Của, hay Từ điển tiếng Việt (năm 1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội, là những bộ từ điển đã được ấn hành trước thời các ông.

Ngoài ra, còn có một bộ từ điển khổng lồ mà ai cũng có thể tra cứu. Đó là đời sống của nông dân Việt Nam trong cảnh quan thiên nhiên, với những sinh thực vật thân thiết chung quanh. Đó là những ruộng lúa trên khắp các nẻo đường đất nước, cùng với những động vật sống theo đồng ruộng, sống nhờ đồng ruộng.

Trong thực tế, những đồng ruộng đó đã nuôi sống dân tộc chúng ta từ thuở khai sinh, và cũng nuôi sống luôn một số động vật khác, trong đó con cò rất gần gũi thân thiết với nhà nông, nhưng vì quá bình dân và quá quen thuộc, nên không được các học giả chú ý.

Con cò là đề tài của ca dao tục ngữ, của thơ văn, âm nhạc, thế thì tại sao con cò không thể là đề tài của điêu khắc và hội họa? Nền điêu khắc và hội họa nầy rất xưa, thật là xưa. Đó là những hình vẽ trên trống đồng Lạc Việt, xuất hiện cách đây trên 2,000 năm.

Để kết luận, xin lưu ý trở lại rằng tất cả những hình ảnh trên trống đồng Lạc Việt đều là hình “câm”. Những ý kiến đưa ra chung quanh các hình ảnh trên trống đồng, kể cả bài viết nầy, chỉ là những phỏng đoán, những giả thuyết, chứ không phải là những kết luận. Giả thuyết có thể đúng, có thể sai. Giả thuyết nào hợp lý sẽ đứng vững. Hy vọng sẽ có thêm những thảo luận về vấn đề nầy để càng ngày càng làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử thuở khai sinh của dân tộc Việt.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, Canada)

navigate to previous page of article navigate to next page of article