CHIM “LẠC” LÀ CHIM GÌ?


Để đi tìm ý nghĩa của chữ “Lạc Việt”, các nhà nghiên cứu Việt Nam vào giữa thế kỷ 20 tra cứu chữ “lạc” trong các từ điển Trung Hoa, và được biết rằng một trong những ý nghĩa của chữ “lạc” trong từ điển Trung Hoa là một loài chim. Các ông liền liên tưởng đến hình chim trên các trống đồng Lạc Việt, và đưa ra giả thuyết rằng chữ “Lạc” trong “Lạc Việt” là một loài chim, và có thể là vật tổ (totem) của người Lạc Việt.

Đầu tiên, học giả Đào Duy Anh, trong sách Lịch sử Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1955, chương 3 (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, người Lạc Việt), đã viết: “Những điểm ấy khiến chúng ta thấy rằng những người đúc trống đồng ấy - người Lạc Việt - tất đã từng vượt biển. Những chim hậu điểu ấy người ta thấy khắc trên trống đồng chính là chim tô-tem của những người chủ nhân của những trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt. Tìm ý nghĩa chữ Lạc hay là họ [Lạc], tức là tên thị tộc của người Lạc Việt, chúng ta thấy chữ ấy chỉ là một loại hậu điểu ở Giang Nam. Xã hội học cho chúng ta biết rằng các thị tộc ở xã hội nguyên thủy thường lấy tên vật tổ mà tự đặt tên. Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim hậu điểu mà chúng ta thấy hình dung trên trống đồng Ngọc Lũ.”(4)

Đi theo cách thức nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh, là các ông Văn Tân, Hà Văn Tấn và linh mục Nguyễn Phương. Hai nhà nghiên cứu Văn Tân và Hà Văn Tấn tham khảo các từ điển Trung Hoa như Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên, để mô tả hình dạng và tranh luận về con chim “lạc”. Còn sử gia Nguyễn Phương cũng dựa vào các từ điển Trung Hoa, và thêm rằng: “Đối với chúng tôi, thiết tưởng không có gì ngăn trở chúng ta nghĩ rằng thứ chim được vẽ trên các trống đồng rất có thể là chim Lạc. Những thứ chim đó là giống chân cao mỏ dài nhưng cổ vắn, thật giống như lời tả gặp được trong các tự điển về chim Lạc nói rằng nó “giống như chim Nghịch nhưng cổ vắn”...(5)

Nếu các tác giả trên đây phỏng đoán rằng hình chim trên các trống đồng là chim “lạc”, vậy chim “lạc” phải là loại chim sống với người cổ Việt, trên đất cổ Việt. Trong trường hợp đó, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là nước Việt Nam chúng ta có chim lạc hay không?

Trong đời sống thực tế, hiện nay người Việt ở khắp các miền đất nước Việt Nam, không ai biết chim lạc là chim gì, không ai thấy chim lạc như thế nào, và thậm chí cũng chưa hề nghe nói đến một loại chim là chim “lạc”. Chính các tác giả Đào Duy Anh, Văn Tân, Hà Văn Tấn, Nguyễn Phương cũng không biết chim “lạc” là chim gì, vì nếu biết, các ông đã không cãi nhau về hình dạng con chim “lạc”.

Bên cạnh thực tế thiên nhiên, có lẽ cũng nên đi vào các từ điển Việt Nam, chứ không phải từ điển Trung Hoa, để truy tìm chim lạc là chim gì ở Việt Nam?

In Từ điển Annamiticum-Lusitanum, et Latinum của linh mục Alexandre de Rhodes, xuất bản lần đầu tại Rome năm 1651, được Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính dịch, Nxb. Khoa học Xã hội in lại năm 1991, trang 131, không có riêng chữ “lạc” đứng một mình, mà chỉ có chữ kép: “LẠC ĐÀNG: Lạc mất đường. Chém lạc: Chém trật. Đi lạc: đi lạc. Chim lạc: chim lạc, và cũng nói về các thú vật khác...” (sic.) Chú ý là từ điển nầy không giải thích riêng chữ “lạc”, mà bắt đầu bằng chữ “Lạc đàng”.

Trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, xuất bản ở Sài Gòn năm 1895 có chữ “lạc”, nhưng không có chữ “lạc” nào nói đến ý nghĩa là con chim hay con thú. Từ điển tiếng Việt do Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội khởi thảo, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1931, đưa ra năm ý nghĩa của chữ “lạc” (trang 290), nhưng không có ý nghĩa là chim hay thú. Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1951, có chữ “lạc”, nhưng cũng không có chữ “lạc” nào chỉ con chim hay con thú. Trong Việt ngữ chính tả tự vị của Lê Ngọc Trụ, Sài Gòn, Nxb. Thanh Tân năm 1959, trang 260, mục chữ “lạc”, nghĩa thứ 5, có ghi: “tên loại thú”. Sau đó trong Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970, cũng không đề cập ý nghĩa “lạc” là chim hay thú. Tại Hà Nội, Từ điển tiếng Việt, in lần thứ ba, năm 1991, do Văn Tân chủ biên cùng 12 tác giả hợp soạn (trong đó, ngoài Văn Tân, có những tác giả nổi tiếng như Trần Văn Giáp, Hoa Bằng...), cũng không có chữ “lạc” nào có nghĩa là thú hay chim.

Finally, researches in Vietnamese mythical stories Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Vietnamese tales, folk songs and proverbs do not turn up any clues about the Lac bird. Trong các sách trên đây, chỉ có từ điển của Alexandre de Rhodes viết “Chim lạc: chim lạc, và cũng nói về các thú khác”, và từ điển của Lê Ngọc Trụ ghi “lạc” là “tên loại thú”. Còn các từ điển khác thì không đề cập đến chim lạc hay “lạc” là “tên loài thú”. Từ điển của A. de Rhodes và của Lê Ngọc Trụ đều không xác định được chim lạc là chim gì, mà còn dẫn người ta đến chỗ “lạc” là một loại thú. Ngay cả ông Văn Tân, trước đây rất hùng biện về hình dạng chim “lạc”, nhưng nay trong bộ Từ điển tiếng Việt do chính ông chủ biên và xuất bản nhiều lần tại Hà Nội, lại không có chữ nào nói về con chim “lạc”.

Cuối cùng, đi tìm trong truyện cổ tích Việt Nam, trong các sách truyện thần thoại Việt Nam (Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái), trong truyện dân gian đồng quê Việt Nam, trong ca dao, trong tục ngữ Việt Nam, hoàn toàn không có dấu vết con chim lạc.

Như thế con chim “lạc” theo sự phỏng đoán của những nhà nghiên cứu trên đây, cũng không khác gì con rồng trong truyền thuyết, vì chẳng có ai thấy con rồng, và trong thực tế không có con rồng. Đã không biết chim lạc là chim gì, thì làm sao có thể đoán được hình chim trên trống đồng là chim lạc?

Ngoài ra, nếu chim lạc là vật tổ, là loại chim quan trọng, thì hình chim lạc phải nằm ở vị trí trang trọng nhất trên mặt trống đồng, đó là vị trí trung tâm. Đàng nầy, hình chim trên các trống đồng Lạc Việt không nằm ở vị trí trung tâm, mà nằm ở vòng ngoài cùng; cũng không phải chỉ có một hình chim trên mỗi trồng đồng, mà có rất nhiều hình chim (vừa bay vừa đậu) chạy vòng tròn quanh mặt trống, có thể xem là những hoa văn trang trí chung quanh mặt trống mà thôi.

Bề mặt trống đồng Ngọc Lũ. (6)  Hình chim bay và đậu ở vòng ngoài cùng.
Bề mặt trống đồng Ngọc Lũ. (6) Hình chim bay và đậu ở vòng ngoài cùng.

Nền văn minh nông nghiệp ở Việt Nam từ thuở ban đầu cho đến thế kỷ 19, rất ít thay đổi nếu không muốn nói là không thay đổi. Kỹ thuật cày cấy theo đúng câu phương châm “xưa bày nay làm”, vẫn là con người kéo cày, hoặc “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Do đó, nếu con chim lạc là một loại hậu điểu và là vật tổ của nông dân cổ Việt, tại sao vật tổ nầy hoàn toàn không có vết tích gì được ghi lại trong tín ngưỡng vật linh, trong truyền thuyết dân gian, trong chuyện cổ tích, trong sách vở, trong ngôn ngữ và ngay cả trong phong tục hay đời sống hằng ngày của nhà nông Việt Nam? Người Việt gọi cá ông (cá voi), ông ba mươi (con cọp), nhưng tuyệt nhiên không có ai nói gì đến chim lạc hay hậu điểu.

Trống đồng Ngọc Lũ nhìn ngang
Trống đồng Ngọc Lũ nhìn ngang

(Figure was redrawn from http:mcel.pacificu.edu/as/students/drum/BRONZEDRUMSUSES.HTML)

navigate to previous page of article navigate to next page of article