“LẠC” LÀ MỘT TỪ NGỮ PHIÊN ÂM


Vào thế kỷ thứ 18, học giả Lê Quí Đôn (1726-1784) trong sách Vân đài loại ngữ, khi nghiên cứu về cổ sử, đã đưa ra nhận xét: "...Tôi xét đời Hùng Vương, trên nối đời Hồng Bàng, không có chữ nghĩa gì truyền lại; về 15 bộ đặt ra thời đó, cùng với các quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô [Trung Hoa] mới đặt ra, tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ rằng những tên đó do các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được..."(7) Những “hậu nho” nầy chẳng những là “hậu nho” Việt, mà cả những “hậu nho” Trung Hoa nữa. Việc “các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được” bắt nguồn từ hai lý do: Thứ nhất, trước khi Triệu Đà áp đặt nền đô hộ Trung Hoa ở cổ Việt năm 198 TCN (quý mão), những danh từ riêng như tên đất, tên người đều là tiếng bản địa cổ Việt. Khi đến đô hộ cổ Việt, người Trung Hoa phiên âm các danh từ nầy, rồi viết lại, nghĩa là người Trung Hoa dùng những chữ Hán có âm giống tiếng cổ Việt, ghi lại địa danh và nhân danh. Chắc chắn chữ “Lạc Việt” cũng nằm trong trường hợp đó.

Thứ hai, tuy Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán (mậu tuất), giành độc lập vĩnh viễn cho người Việt năm 938 (mậu tuất), nhưng mãi đến thế kỷ thứ 13, nước Việt mới có bộ chính sử đầu tiên là Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu (1230-1322) soạn xong năm 1272 dưới đời vua Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278). Ghi nhận điểm nầy để lưu ý rằng trước đó nước Việt chưa có sách sử. Các sử gia từ Lê Văn Hưu trở về sau, muốn viết lại lịch sử nước nhà từ thời cổ đại đến thời nhà Trần, đều phải dựa vào sử liệu Trung Hoa, đồng thời dựa thêm những truyền thuyết, chuyện cổ tích, chuyện truyền kỳ, mới có thể viết được. Vì vậy, Lê Quý Đôn mới viết “tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ rằng những tên đó do các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được..."

Trong sách Việt Nam thời khai sinh, sử gia Nguyễn Phương trích dịch một bài báo của Claude Madrolle nhan đề “Le Tonkin ancien” đăng trên Tập san Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l'École Française d'Extrême-Orient), theo đó Claude Madrolle cho rằng chữ “Lạc” trong “Lạc Việt” là một chữ phiên âm. Claude Madrolle viết:

“Tiếng đã quá quen biết với chúng ta đó, các sách Trung Hoa dùng để chỉ vị vua và các tướng cùng dân ở Bắc Kỳ, nghĩa là dân Annamites, và chúng ta cũng dùng hùa theo như vậy. Tuy nhiên trong cảnh xưng hô chung đó, có một chỗ chúng tôi cho là không được ổn đó là vì tiếng phiên âm “lo” cũng gặp được tiếng “Hok-lo, tổ tiên của dân Hải Hậu... Sự trùng hợp đó làm sáng tỏ công trình nghiên cứu của chúng tôi. Thực ra người Lạc ở châu thổ không phải là dân Annamites, nhưng là dân Hok-lo của nước Việt, gọi là Hải Hậu...”(8)

Sau Claude Madrolle, tác giả Hoàng Văn Chí, trong sách Duy văn sử quan, cũng chủ trương rằng chữ “lạc” là một chữ phiên âm. Ông cho biết người Trung Hoa đã phiên âm chữ “lạc” với nhiều cách khác nhau, tức với nhiều “bộ” khác nhau, nhưng theo ông “bất cứ chữ Lạc nào [trong chữ Hoa], viết với bất cứ “bộ” nào, với nghĩa là con lạc đà, con chim biển, hay một con thú bốn chân nào đó, cũng đều vô nghĩa. Và đã không có nghĩa, mà viết lung tung, “bộ nọ, bộ kia”, thì chúng ta phải ngờ đây là những chữ người Tàu đã dùng để phiên âm một tiếng nào đó của người địa phương, của tổ tiên chúng ta.”(9)

Thông thường, một chữ phiên âm thì phải đọc cho đúng âm của chữ đó. Sau khi đọc cho đúng âm, lại cần phải tìm hiểu ý nghĩa của chữ đó trong tiếng gốc trước khi được phiên âm, và trong trường hợp nầy là tiếng cổ Việt, thì mới hiểu được chữ đó. Chữ Lạc viết bằng chữ Trung Hoa. Người Trung Hoa chỉ dùng âm của chữ nầy để chỉ chủng người ở cổ Việt. Vậy phải đọc theo âm Trung Hoa mới đúng, chứ không phải đọc theo âm Hoa (Hán) Việt. Chữ “Lạc” đọc theo âm Hán Việt của người Việt là “lạc”, còn đọc theo âm của người Trung Hoa là “lo, ló, lô”. Ví dụ Lạc Dương, kinh đô Trung Hoa thời nhà Châu được phiên âm theo chữ Latin là Loyang. Rõ ràng âm “Lo” là Lạc.

Về việc phát âm chữ nầy, ông Hoàng Văn Chí viết rõ hơn: “Ngay cả cái lò để nung, người Tàu gọi là lò, chúng ta cũng bắt chước gọi là lò, mà chữ Lò của Tàu, bây giờ tiếng Hán Việt cũng là Lạc. Tóm lại, những chữ mà người Tàu đọc là ló, hay lò, bây giờ chúng ta đọc là lạc hết thảy. Vì người Tàu chỉ dùng chữ Lạc để phiên âm tiếng Ló của người Giao Chỉ, nên về sau, họ viết bất cứ chữ Lạc nào, Lạc là con lạc đà, Lạc là chim biển cũng được, vì bất cứ chữ Lạc nào, viết với bất cứ “bộ” nào, họ cũng đọc là Ló tất.”(9)

Tiếp đó, nếu đọc là “lo, ló, lô”, thì phải tìm hiểu ý nghĩa những chữ nầy trong tiếng Việt cổ. Còn nếu chúng ta nhất định đọc theo âm Hán Việt là “lạc”, rồi tìm hiểu nghĩa theo chữ Trung Hoa, thì chúng ta sẽ bị lạc hướng.

Ví dụ tên nước Canada được người Trung Hoa đọc theo tiếng “Phổ thông” là “Cá nả tà(i)”, rồi phiên âm qua chữ Trung Hoa. Người Việt đọc chữ Trung Hoa đó theo âm Hoa (Hán) Việt là Gia Nã Đại. Tên của thủ đô nước Hoa Kỳ là Washington. Người Trung Hoa đọc là “Hỏa shỉn tơn”, rồi phiên âm qua chữ Trung Hoa. Người Việt đọc chữ Trung Hoa đó theo âm Hoa Việt là Hoa Thạnh Đốn. Không lẽ một lúc nào đó, người Việt giải thích rằng “Gia” là..., hoặc “Hoa” là... Giải thích “Hoa” là cái bông hoa hay là cái gì đi nữa, dù là có nghiên cứu thiên kinh vạn quyển về chữ “hoa”, về các loại hoa, cũng đều hoàn toàn vô nghĩa, vì đã sai từ căn bản, do chữ “hoa” thật sự chỉ là một tiếng phiên âm

Trường hợp chữ “Lạc Việt” cũng thế. Chữ “lạc” là tiếng phiên âm một từ ngữ của người bản địa cổ Việt. Dầu có nghiên cứu thiên kinh vạn quyển về chữ “lạc” trong sách Trung Hoa, trong các bộ từ điển như Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên, và dầu các bộ từ điển nầy đã căn cứ trên những cổ thư danh tiếng của Trung Hoa,(10) thì đó là ý nghĩa chữ “lạc” trong tiếng Trung Hoa phát âm theo lối Hán Việt, chứ không phải là chữ phiên âm từ tiếng của người bản địa cổ Việt.(11)

navigate to previous page of article navigate to next page of article