Phần 2. Các sắc thái của cộng đồng người Việt ở Canada


Một cộng đồng di dân mới

Tuy cộng đồng người Việt ở Canada là cộng đồng di dân mới nhất, nhưng lại khá đông dân, đứng hạng 5 trong số các sắc tộc không phải gốc người Âu Châu (sau Trung quốc, Ấn độ, Phi luật Tân và Jamaïcains).

Bảng 3. Dân số VN ở Canada theo nguồn gốc chủng tộc
Tỉnh bang 1991 1996 2001 2006
Ontario 38 550 62 055 67 450 83 330 = 46. 3%
Québec 21 805 27 820 28 310 33 815 = 18.7%
British Columbia 12 595 21 095 27 190 30 835 = 17%
Alberta 15 135 19 170 21 490 25 170 = 14%
Manitoba 3 545 2 930 755 3 875 = 2%
Saskatchewan 1 530 2 090 870 1 640 = 1%
Nouvelle-Écosse 645 670 790 600
Nouveau-Brunswick 250 435 235 315
Territoires du Nord-O. 120 190 75 345
Terre Neuve-Labrador 65 110 0 55
Île-du-Prince-Édouard 0 35 25 15
Yukon- Nunavut 30 210 15 120
Canada 94 260 136 810 151 400 180 130

Sources : Les Vietnamiens de Montréal, p. 43 (Statistics 1991,1996,2001) Recensement 2006 – Origine ethnique/Ethnic origins. Catalogue 97-562-XCB2006006

Bảng thống kê trên cho thấy những đặc điểm chính yếu về dân số Việt Nam ở Canada như sau :

1. Về phân phối dân số tại các tỉnh bang

96% người Việt tập trung ở 4 tỉnh bang: Ontario, Québec, British Columbia và Alberta. Ontario là tỉnh bang có người Việt nhiều nhất, chiếm 46. 3% tổng số người Việt ở Canada. Trái lại, số người Việt tại 4 tỉnh vùng Đông Bắc (New Brunswick, Nova Scotia, Prince Edward Island, Newfounland & Labrador) và vùng cực Bắc ( Yukon, Northwest Territories, Nunavut) cộng chung lại chưa đến 1%.

2. Về gia tăng dân số

Chỉ trong 10 năm (1991-2001), dân số Việt Nam gia tăng 62%. Đặc biệt tại hai tỉnh bang Ontario và British Columbia, dân số gia tăng gần gấp đôi trong giai đoạn nầy, riêng dân số ở tỉnh bang Québec gần như không thay đổi từ 1996 đến 2001, nhưng lại gia tăng nhiều trong những năm gần đây.

Dân số Việt Nam ở Canada năm 2006 là 180 130 người, gia tăng thêm 28 730 người so với năm 2001 (151 400 người). Với tỉ lệ gia tăng là 16%, người Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với người Canadiens (5.4%) cũng trong thời gian nầy. Sự gia tăng dân số có thể giải thích bởi tử suất của người già thấp và sinh suất giới trẻ cao và dân mới nhập cư. Về số dân mới nhập cư phải kể đến hiện tượng du sinh VN (dĩ nhiên là con của các nhà giàu mới, hàng họ với cán bộ cao cấp Cộng Sản) bởi lẽ chính phủ Canada gần đây đã có những biện pháp dễ dãi với du sinh : cho cha mẹ đến thăm viếng, cho phép du sinh có thể ở lại làm việc trong 3 năm sau khi tốt nghiệp một số ngành nghề. Du sinh Việt Nam là cửa ngỏ hợp pháp cho lớp người VN giàu có, cán bộ Cộng Sản, sau khi vơ vét trên một Việt Nam nghèo khổ, đến hưởng phú quý trên một đất nước mà người Việt tị nạn đã phải bỏ thân xác trên biển cả, phải trải qua bao nhục nhằn gian khổ mà nhiều người vẫn chưa được yên ấm lúc tuổi già. Người viết sững sờ khi được biết một người Việt đang cư ngụ ở VN , hàng họ với một tướng lãnh công an Cộng Sản đã mua một ngôi nhà gần triệu bạc tại một khu sang trọng ở Montréal để cho hai đứa con du học tại đây, và người mẹ qua lại thăm con thường xuyên. Theo thống kê năm 2006, Canada có 1955 người di trú tạm thời (résidents non permanents) gồm du sinh và phụ huynh của họ.

Một cộng đồng người Việt không hoàn toàn thuần nhất là người Việt

Trong số 180 130 người Việt theo thống kê năm 2006, có 76% xác nhận gốc là người Việt Nam (136 445 người) trong khi có đến 24% khai là người Việt và một (hay hai) chủng tộc khác (43 680 người) mà Statistique Canada gọi là réponse multiple (multiple ethnic origin response) . Điều nầy nói lên rằng những người tự nhận là người VN và thêm một chủng tộc khác có thể có dòng máu người Hoa, người Miên, những dân tộc đã cộng cư từ lâu trên dãy đất VN và những người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Canada có cha hay mẹ không phải là người Việt.

Bảng 4. Dân số người Việt tại một số tỉnh bang năm 2006 theo câu trả lời
Canada / Tỉnh bang Trả lời duy nhất
(gốc Việt Nam) ( 1 )
Trả lời nhiều hơn 1
(gốc Việt+ gốc khác) (2 )
Tổng cộng
Canada 136 445 43 680 = 24% 180 130
Ontario 63 390 19 940 = 24% 83 330
Québec 27 090 6 730 = 20% 33 815
British Columbia 23 735 7 100 = 23 % 30 835
Alberta 17 320 7 850 = 31% 25 170
Manitoba 2 695 1 180 = 31% 3 875
Saskatchewan 1 180 460 = 28% 1 640

Về điểm câu trả lời gốc người Việt và câu trả lời gốc Việt thêm chủng tộc khác, chúng tôi nêu lên hai nhận định :

Trước tiên là sự « nhập nhằng » của một số người Miên, người Hoa đến Canada di cư từ VN. Khi đến trại tiếp cư, họ khai họ là người Việt, nhưng sau đó lại sinh hoạt theo các cộng đồng Miên và Hoa và dĩ nhiên, khi kiểm kê dân số, căn cứ vào môi trường sinh sống, họ có thể khai họ là người Việt thêm vào gốc Miên hay Hoa. Sự kiện nầy giải thích phần nào hiện tượng phóng đại số thống kê người Việt và các sắc tộc khác.

- Một sự kiện khác còn đáng quan tâm hơn là số người khai vừa là gốc Việt vừa là gốc một chủng tộc khác gia tăng thêm cứ mỗi lần kiểm tra dân số ( năm 2001 : 21%; năm 2006 : 24%) cho thấy một số người Việt Nam, nhầm lẫn vô tình hay cố ý nguồn gốc chủng tộc (origine ethnique/ethnic origin) với quốc tịch. Chúng tôi không biết được chính xác tỷ lệ nhầm lẫn vô tình và cố ý hai ý niệm nầy, nhưng thống kê cho biết số người Việt ở các tỉnh bang Anh thoại có tỷ lệ số trả lời réponse multiple nhiều hơn Québec khiến chúng tôi suy luận, tại các tỉnh bang nầy số người Việt gốc Hoa hay gốc Miên nhiều hơn ở Québec. Ngoài ra, phải hiểu rằng những câu hỏi của Statistique Canada rất phức tạp, việc trả lời những trang giấy đầy ấp những ý niệm xã hội và nhân chủng không phải dễ dàng đối với những người có học lực kém, không có thời giờ, trả lời cho xong việc, do đó việc nhầm lẫn là điều khó tránh.

Sai xuất trong thống kê là điều tất nhiên, cho dù Statistique Canada có kinh nghiệm về kiểm tra dân số hơn 100 năm nay (bắt đầu năm 1867). Nhân nói đến điều nầy, chúng tôi không thể bỏ qua «truyền thống» gian dối về thống kê và tin tức láo khoét của những đỉnh cao trí tuệ Cộng Sản.

Theo « nhà nghiên cứu Khoa học xã hội, Tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn » thì « số kiều dân VN ở Canada năm 2004-2005 là 200 000 người, là do các nguồn liệu mà chúng tôi nhận được từ đầu năm 2004 đến đầu năm 2005 ». (www.quehuong.org.vn)

Chúng tôi không hiểu các nguồn liệu mà ông Đàn nhận được tại Viện Nghiên Cứu của ông ở Hà Nội phát xuất từ đâu trong khi Thống Kê Canada chỉ công bố kết quả chính thức của cuộc kiểm kê dân số năm 2006 vào ngày 2 tháng tư năm 2008 là 180 130 người.

Bởi lẽ con số thống kê 180 130 người Việt là con số chính thức vể dân số Việt Nam ở Canada căn cứ vào chủng tộc bao gồm người Việt và một số chủng tộc khác gốc Việt, Statistique Canada lại có một thống kê khác chính xác hơn căn cứ vào tiếng mẹ (langue maternelle). Định nghĩa tiếng mẹ theo Statistique Canada là : ngôn ngữ đầu tiên được học nói ở nhà và còn hiểu được lúc làm thống kê. Số người Việt có tiếng Việt là tiếng mẹ là 141 630 người. Như vậy, người có tiếng mẹ là tiếng Việt là người chính gốc Việt Nam, số người còn lại ( 180 130 – 141 630 = 38 500) là người Việt lai với một chủng tộc khác.

Bảng 5. Dân số Việt Nam theo tiếng mẹ năm 2006
Nơi Dân số Dân ở một số thành phố
Canada 141 630
Ontario 67 150 Toronto : 45 325; Ottawa-Gatineau : 6 535; Hamilton : 3 710; Kitchener : 3215; Windsor : 1 830 ; Guelph : 1 015.
Québec 25 370 Montréal : 23 240 ; Québec (ville) : 850
B.Columbia 24 560 Vancouver : 20 725; Victoria : 750, Abbotsford : 940
Alberta 19 350 Calgary : 10 890; Edmonton : 7 715
Manitoba 2 740 Winnipeg : 2 660
Saskatchewan 1 305 Regina : 810 ; Saskatoon : 310

Ngoài thống kê theo tiếng mẹ, Statistique Canada lại cho biết số người dùng tiếng mẹ để nói chuyện trong gia đình.

Bảng 6. Dân số theo ngôn ngữ sử dụng nhiều nhất trong gia đình
tại 4 tỉnh có đông người Việt (2006)
Nơi Dân số Tiếng Việt Tiếng Anh Tiếng Pháp Tiếng Việt, Anh, Pháp
Canada 180 130 109 010 = 60.5% 50 095 10 470 10 555
Québec 33 815 20 360 = 60.2% 1 550 9 920 1 985
Ontario 83 330 66 925 = 80.3% 25 685 355 9 635
B. Columbia 30 840 18 180 = 59% 10 915 75 1 670
Alberta 25 170 19 915 = 79% 4 435 110 710

Nguồn : Recensement 2006. Catalogue 97-564-XCB2006 007

Bảng thống kê trên cho thấy chỉ trong 30 năm, một phần người Việt đã quên tiếng mẹ, trầm trọng nhất tại tỉnh Québec và British Columbia (chỉ có 60% nói tiếng Việt mà thôi trong gia đình). Sự kiện nầy được giải thích phần nào bởi yếu tố hội nhập và nhân chủng. Ở Québec, đa số người Việt hội nhập dễ dàng vào xã hội ngưởi bản xứ, ảnh hưởng bởi hiện tượng đàn áp ngôn ngữ (diglossie), trái lại ở British Columbia, một số đông người Việt lai người Hoa sử dụng tiếng Anh (35%) trong sinh hoạt kinh tế , do đó cả 2 tỉnh bang nầy, tiếng Việt bị «mất giá» trong ngôn ngữ gia đình.

Một cộng đồng lập cư ở đô thị

Người Việt ở Canada chỉ sinh sống quanh vùng đô thị. 76% người Việt tập trung tại 5 thành phố : Toronto (Ontario), Montréal (Québec), Vancouver (British Columbia), Calgary và Edmonton (Alberta). Chỉ riêng thành phố Toronto đã chiếm 31% người Việt Nam ở Canada. Tại Québec, 90% người Việt sống ở thành phố Montréal.

Bảng 7. Dân số VN ở các thành phố lớn
Thành phố 1991 1996 2001 2006
Toronto 24 550 41 735 45 105 56 095
Montréal 19 265 25 340 25 605 30 510
Vancouver 10 095 16 870 22 865 26 110
Calgary 7 255 10 110 11 595 14 285
Edmonton 6 780 7 775 8 990 9 740
5 thành phố lớn 67 945 101 830 114 160 136 740

Tại các thành phố khác, số người Việt rất ít như :

Ở Ontario : Ottawa (7655), Hamilton (4700), Kitchener (3990), London (2675), Windsor (2100), Guelph (1260), St. Catharines-Niagara (1200)

Ở Québec : Quebec City (1195), Laval (1900), Longueuil (2355)

Ở British Columbia : Victoria (1075)

(Source : Statistique Canada 1991, 1996, 2001,2006 )

Các khu đông đảo người Việt

Montréal

Khu Côte-des-Neiges là khu có đông đảo người Việt trong những năm đầu lập nghiệp vì nơi đây là khu sắc tộc, nhà cho thuê rẻ, lại thêm gần khu đại học Montréal là nơi đoàn tụ những gia đình có thân nhân là sinh viên trước 1975. Tuy nhiên, sau khi ổn định tài chánh và việc làm, người Việt tản mác khắp thành phố và vùng ngoại ô, sinh hoạt và quần cư chung với người bản xứ, nhưng một số trụ sở các hội đoàn quan trọng vẫn còn «định cư» ở khu nầy.

Montréal không có làng xóm, khu tập trung dân Việt tuy vài khu có người Việt tương đối nhiều như ở quận hạt (arrondissement) Villeay-Parc Extension : 4610 người, Côte-des-Neiges – Notre-Dame-de-Grâce : 3 705 người, Saint-Laurent : 2135 người. Hai thành phố ở ngoại vi Montréal là Longueuil : 2355 người, và Laval : 1900 người (vùng phụ cận như Chomedey, Duvernay....1890 người)

Toronto

Những người Việt đến lập nghiệp ở Toronto những năm đầu thập niên 80 tập trung ở khu vực phía Tây của Toronto (giới hạn bởi các đường Bathurst-đường Jane- Bắc hồ Ontario và đường St-Clair) đặc biệt khu Parkdale. Một khu cư dân nhỏ hơn qui tụ ở vùng Regent Park/Phố Tàu. Làn sóng người tị nạn ố ạt đến Toronto từ 1985 đến 1995 bành trướng ra thêm ở các vùng ven biên phía Tây và phía Đông của Toronto, và đặc biệt vùng Downsview (giới hạn bởi các đường Wilson - Steeles – Dufferin - Kipling)), và thành phố York (Jane-Weston). Tại vùng Mississauga, lúc đầu người Việt còn ít, tập trung hầu hết ở Cooksville, Dixie-Bloor. Trong những năm đầu thập niên 90, nhiều chung cư được xây cất thu hút đông đảo người Việt đến cư trú và làm ăn, và Brampton được bành trướng..

Cuộc điều tra của Mark E.Pfeifer (Community, Adaptation and the Vietnamese in Toronto, chapter six) căn cứ vào các niên giám điện thoại trong vùng với hai họ Nguyễn và Trần theo bảng thống kê sau đây đã chứng minh các xác quyết nầy.

Bảng 8. Thống kê hai họ Nguyễn và Trần tại một số thành phố của vùng Toronto
Thành phố 1981 1986 1991 1996 Khu đông dân nhất
Toronto 191 541 860 658 Dufferin / Queen
York 23 151 359 437 Jane / Weston
North York 8 95 280 559 Jane / Finch
Etobicoke 7 23 65 150 Albion / Finch
Mississauga 12 74 295 609 Cooksville, Bloor- Dixie
Brampton 3 11 28 53 Steeles / Dixie

Vancouver

40% người Việt tập trung ở phía đông của trung tâm thành phố Vancouver, gần với phố Tàu và 60% ở vùng ngoại ô Đông Nam, dọc theo hai trục Kingsway và Broadway, nối liền thành phố New- Westminster với Chinatown. (theo Lâm Thanh Liêm.Reconversion professionnelle et intégration sociale de la communauté vietnamienne au Canada)

Một cộng đồng dân số trẻ

So với dân số người Canada, dân số người Việt tương đối trẻ. Năm 2006, trong tổng số 180 130 người Việt Nam thì số người từ 15 tuổi trở lên là 135 710 người, như vậy số người dưới 15 tuổi là 44 420 người, chiếm 24.6% (so với 17.7 % đối với người Canadiens). Ngược lại chỉ có 10 545 người già từ 65 tuổi trở lên, chiếm 5.8%, tỷ lệ nầy rất thấp so với người bản xứ là 13.7%.

Bảng 9. Dân số xếp theo lớp tuổi tại 4 tỉnh bang nhiều người Việt (2006)
Lớp tuổi Canada Ontario Québec B.Columbia Alberta
Tổng cộng 180 130 83 330 33 815 30 835 25 170
Dưới 15 tuổi 44 420 = 24.6% 20 945 = 25.1% 7 720 = 22.8% 7 835 = 25.4% 6 040 = 24 %
15 – 24 tuổi 27 680 12 840 4 410 5 390 4 005
25 – 54 tuổi 87 010 41 045 15 855 14 510 12 240
55 – 64 tuổi 10 475 4 100 2 895 1 615 1 420
65 tuổi và + 10 545 = 5.8% 4 395 = 5.3% 2 930 = 8.7% 1 490 = 4.8% 1 470 = 5.8%
65 – 74 tuổi 6 110 2 580 1 635 935 795
75 tuổi và + 4 435 1 815 1 295 555 675

Nguồn : Recensement 2006. Catalogue 97-562-XCB 2006012

Trong 4 tỉnh bang, Alberta là tỉnh có các lớp tuổi dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi bằng với tỷ lệ trung bình của Canada (24.6% và 5.8%). Québec là tỉnh bang có dân số trẻ ít và người già nhiều (22.8% và 8.7%) so với các tỉnh bang khác. Điều nầy là do sự kiện đa số người Việt đến lập cư ở Québec trước hơn người Việt ở các tỉnh bang khác và do đó người Việt ở tỉnh bang nầy cũng trên đường lão hóa nhanh hơn các tỉnh bang khác (tỷ lệ lớp người từ 55 đến 64 tuổi cũng cao).

Bảng 10 . Dân số xếp theo lớp tuổi tại các thành phố đông người Việt (2006)
Lớp tuổi Toronto Montréal Vancouver Calgary
Tổng cộng 56 095 30 510 26 110 14 285
Dưới 15 tuổi 13 510 = 24% 7 710 = 22% 6 385 = 24.5% 3 350 = 23.5%
15 – 24 tuổi 8 445 3 980 4 670 2 095
25 – 54 tuỗi 28 430 14 525 12 395 7 100
55 – 64 tuổi 2 610 2 630 1 345 830
65 tuổi và + 3 100 = 5.5% 2 750 = 9% 1 325 = 5% 910 = 6.4%

Nguồn : Catalogue 97-562-XCB 2006012

Một cộng đồng có nhiều trình độ hội nhập khác biệt

Lịch sử các giai đoạn di dân phản ảnh trình độ hội nhập và sinh hoạt kinh tế của người Việt ở các vùng định cư.

Montréal là nơi định cư đầu tiên của người Việt, qui tụ nhiều « chất xám » của cộng đồng, nơi mà người Việt hội nhập nhiều nhất vào môi trường sống mới. Người Việt ở Montréal sinh hoạt hòa hợp với người dân bản địa, tạo được sự tín nhiệm và nể trọng của người bản địa. Các giới chuyên nghiệp y tế (bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ) phục vụ cho người Việt và người bản địa với sự tận tụy, 4 trường đại học của thành phố đều có ở mỗi nơi khoa trưởng, phó khoa trưởng, giám đốc và giáo sư nhiều phân khoa; trong lãnh vực kỹ thuật, tài chánh có nhiều chuyên viên cao cấp và trung cấp, nói tóm lại, sự hiện diện của người Việt trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật và giáo dục đã được xác định .

Những thống kê của các Hiệp hội y sĩ Québec, Hội y sĩ VN tại Canada và Liên Hội thế giới dược sĩ đã chứng minh ưu thế của người Việt ở Québec .

Về y khoa, năm 2005, Québec có 405 bác sĩ , Ontario: 146 (Toronto :126+Ottawa :20), British Columbia : 34, Alberta :33.

Về dược khoa, năm 1997, Québec có 290 dược sĩ (cộng với số mới tốt nghiệp, năm 2005 có chung độ 350), Ontario : 64, Alberta : 14, Saskatchewan :1)

Nếu phải kể thêm các ngành chuyên khoa khác trong y tế, kỹ thuật, giáo dục thì tổng số chuyên gia người Việt ở Québec khoảng 1500 người.

Trong bài « Trải hương theo gió » của GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ngày 19/02/2006, ông đã viết : ...Theo một ước lượng dè dặt thì hiện nay ở Hoa Kỳ có khoảng 4200 bác sĩ gốc Việt đang hành nghề và như thế thì cứ 1000 người chúng ta có 4 bác sĩ. Nói chung cho toàn thể đất nước thì tỉ lệ nầy chỉ có được ở những vùng trù phú...

Với một dân số 28 310 người Việt (năm 2001) và 405 bác sĩ, nếu tính theo tỷ lệ, cứ 1000 người Việt ở Québec thì đã có đến 7 bác sĩ, và 28% người dân ở đây tốt nghiệp đại học, điều nầy đã xác quyết Montréal quả thật là nơi tập trung chất xám của người Việt ở Canada.

Toronto và Vancouver là hai thành phố được người Việt chọn lựa nhập cư sau 1980. Đến đất mới với số vốn văn hóa và tài chánh kém hơn, phải đối phó với sự cạnh tranh của những sắc tộc đã định cư lâu đời (Tàu, Ấn độ, dân gốc Nam Mỹ...) cộng thêm với sự kỳ thị ra mặt của người dân bản địa và kín đáo của một số cơ quan công quyền, đa số người Việt Nam tại hai thành phố nầy có khuynh hướng sống ghetto về phương diện quần cư lẫn sinh hoạt kinh tế và văn hóa. Một số nhỏ người có khả năng hội nhập lại cách biệt với quần chúng, cộng đồng người Việt tại hai thành phố nầy phân tán theo các phe nhóm quyền lực và sinh hoạt kinh tế, và hậu quả là họ càng ít có cơ quan đại diện để binh vực tập thể và cá nhân một cách hữu hiệu. So với tỉnh bang Québec, Ontario và đặc biệt là British Columbia thất lợi về trình độ học vấn, lợi tức đồng niên thấp và tỉ lệ thất nghiệp cao.

Calgary và Edmonton là Eldorado của Canada từ khi Alberta thành công trong việc khai thác cát nhựa (sable bitumineux) để biến thành dầu hỏa. Thực ra, không phải chỉ có người Việt mà nhiều sắc tộc khác và cả người Canadiens cũng đổ xô về tỉnh bang nầy để tìm việc. Người Việt đến đây sống với thiên nhiên khắc khổ, đời sống đắc đỏ, tụ họp thành ghetto, nhưng viễn tượng đi tìm đất hứa thật bất định.

Bảng 11. Trình độ học vấn của người Việt trên 15 tuổi (năm 2006)
tại 4 tỉnh bang có người Việt nhiều nhất
Trình độ Canada Québec Ontario British Columbia Alberta
Dân số trên 15 tuổi 135 705 26 095 62 385 23 000 19 130
Không hết Trung học 45 030 (33%) 5 970 (23%) 21 250(34%) 8 645 (37, 5%) 7 600 (40%)
Có bằng Trung học 38 905 (29%) 5 770 (22%) 19 080(30%) 7 375 (32%) 5130 (27%)
Có bằng học nghề 8 970 (6%) 1 720 ( 6,5%) 3 595 (6%) 1 960 (8,5%) 1 335 (7%)
Có bằng hậu Trung học* 16 035 (12%) 3 615 (14%) 7 405(12%) 2 300 (10%) 2 185 (11%)
Có học lực đại học 5 690 (4%) 1 450 (5,5%) 2 440 (4%) 965 (4%) 675 (3,5%)
Tốt nghiệp đại học 21 070 (16%) 7 570 (29%) 8 610 (14%) 1 760 (8%) 2 205(11,5%)
- BA 14 925 (11%) 4 555 ( 17,5%) 6 520(10,5%) 1 345 (6%) 1 800 (9,6%)
- Không hết MA 1 635 ( 1,2%) 655 (2,5%) 685 (1,2%) 115 (0,5%) 130 ( 0,8%)
- MA 2 375 ( 1,8%) 1 130 (4,5%) 845 (1,3%) 170 (0,8%) 155 (0,9%)
- Tốt nghiệp y học ** 1 335 ( 1%) 820 ( 3%) 325 (0,6%) 85 (0,4%) 65 (0,1%)
- Doctorat, PhD. 800 (1%) 415 (1,5%) 240 (0,4%) 50 (0,3%) 65 (0,1%)

* CEGEP , đại học cộng đồng, trường thương mại hay kỹ thuật

** Bác sĩ y khoa, nha khoa, thú y, optométrie

Bảng thống kê trên xác nhận trình độ học vấn của người Việt ở tỉnh bang Québec cao hơn so với người Việt ở tất cả các tỉnh bang khác, không những thuộc thế hệ thứ nhất mà cả thế hệ thứ hai. Không học hết Trung học đối với các quốc gia Tây Phương được kể như mù chữ thực dụng (analphabétisme fonctionnel).

Nếu tỷ lệ nầy chỉ có 23% đối với người Việt ở Québec thì đối với các tỉnh khác cách biệt đến hơn 10%, trầm trọng nhất ở tỉnh Alberta (40%).

Tỷ lệ người tốt nghiệp đại học ở Québec (29 %) gấp 2 lần so với người Việt ở Ontario (14%) và hơn gần 3 lần so với British Columbia và Alberta. Nếu đem so sánh tỉ lệ nầy đối với người Canadiens (12%), người Québécois (14%), trình độ học vấn của người Việt làm người bản địa phải thán phục.

Ngoài ra, trong số 2135 người Việt Nam tốt nghiệp các ngành y học và có bằng tiến sĩ năm 2005 ở Canada chỉ riêng tỉnh Québec đã có 1215 người, chiếm 57% trong tổng số.

Ký giả Gérald Leblanc của báo La Presse, tờ nhật báo lớn nhất của Québec đã viết như sau năm 1992 : « Bardés de diplômes, travailleurs infatigables, les Vietnamiens pourraient répéter l’exploit réalisé au milieu du siècle par les Juifs de Montréal...Les Québécois d’origine vietnamienne seront probablement les premiers à occuper dans le secteur public un pourcentage de postes, y compris les postes de cadres supérieurs... »(Les racines des Vietnamiens, p. 183)

Đạt được nhiều bằng cấp, làm việc không mõi mệt, người Việt Nam đang thực hiên những kỳ công của người Do Thái vào giữa thế kỷ nầy...Và người Việt Nam có lẽ là những người đầu tiên trong số các sắc tộc chiếm giữ một tỉ lệ chức vụ trong guồng máy công quyền, kể cả các chức vụ cao cấp.

Ngoài học lực, việc thông thạo ngôn ngữ của quốc gia tiếp cư còn là yếu tố thuận lợi trong việc hội nhập kinh tế và văn hóa. Trong số 10 tỉnh của Canada, 9 tỉnh nói tiếng Anh, chỉ có Québec nói tiếng Pháp nhưng trong công việc làm, tiếng Anh vẫn cần thiết. Không nói thông thạo ngôn ngữ của quốc gia tiếp cư, người Việt tại các tỉnh kỹ nghệ như Ontario, British Columbia và Alberta gặp khó khăn trong sinh kế, phải chấp nhận công việc làm xuống cấp, không tương xứng với khả năng vì không diễn đạt được rành rẽ tiếng Anh, sống ghetto với văn hóa và kinh tế người Việt và Tàu, lợi tức đồng niên do đó xuống thấp.

Số người Việt không hiểu được ngôn ngữ chính thức của Canada (Anh, Pháp) ở Québec là 9%, thấp hơn 3 tình bang Ontario và Alberta (11%) và British Columbia (12%)

Bảng 12. Hiểu biết được ngôn ngữ chính thức của Canada (2006)
Ngôn ngữ Canada Québec Ontario B.Columbia Alberta
Tổng số người Việt 180 130 33 820 83 335 30 840 25 170
Hiểu tiếng Anh mà thôi 124 790 (69,5%) 2 635 (8%) 69 090 (83%) 25 590 (83%) 21 500 (85%)
Hiểu tiếng Pháp mà thôi 10 570 (6%) 10 160 (30%) 185 75 35
Hiểu tiếng Anh và Pháp 25 760 (14%) 18 005 (53%) 4 790 (6%) 1 490(5%) 975 (4%)
Không hiểu tiếng Anh và Pháp 19 005 (10,5%) 3 015 (9%) 9 170 (11%) 3 670 (12%) 2 660 (11%)

Nguồn : Statistique Canada, Recensement 2006, catalogue 97F-564-XCB 2006007

( Các tỷ lệ tác giả tính theo số tròn )

Đời sống kinh tế của người VN theo thống kê 2006

Bảng 13. Lợi tức đồng niên của người Việt trên 15 tuổi
Lợi tức * Canada Québec Ontario B. Columbia Alberta
Trung bình $ 26 665 $ 29 069 $ 27 151 $ 21 254 $ 28 524
Dưới 5000 $ 14,5% 13.60% 15.60% 15% 11.50%
5000 – 9999 $ 12% 13.40% 11.40% 13% 11.50%
10 000 – 19 999$ 24.70% 26% 22.60% 29.50% 24%
20 000 – 29 999$ 15.60% 15% 14.40% 17.50% 16.50%
30 000 – 39 999$ 12.20% 10% 12.60% 12% 14%
40 000 – 49 999$ 8% 6% 9% 6% 8.50%
50 000 – 79 999$ 9% 9.40% 10% 5.60% 10%
80 000 và trên 4% 6.60% 4% 1.40% 4%
Tỷ lệ người dưới
ngưỡng nghèo **
18% 20% 17% 24% 12%
Tỷ lệ thất nghiệp 8.30% 8.80% 9% 9.80% 4.80%

Chú thích :

* Lợi tức đồng niên trong bảng nầy là lợi tức sau khi trừ thuế. Số tiền nầy bao gồm tiền

lương , tiền thu nhập do việc làm, và các loại trợ cấp của chánh phủ (tiền sửa, tiền hưu bổng...)

**Trái với nhiều quốc gia trên thế giới ấn định ngưỡng nghèo (seuil de la pauvreté), Canada thay thế bằng danh từ ngưỡng lợi tức thấp (seuil de faible revenu =SFR) theo đó thay đổi tùy theo địa phương, thôn quê, thành phố đông dân, ít dân, bởi lẽ giá đắt đỏ khác nhau.

Ngưỡng lợi tức thấp năm 2006 của một người độc thân là 12 890$ cho người dân sống ở thành phố dưới 30 000 dân, 14 562$ cho người dân ở thành phố từ 100 000 - 499 000 dân . Tương tự cách tính như vậy với một cặp vợ chồng từ 15 690$ đến 17 723$, với gia đình 3 người là 19 535$ đến 22 069$, với gia đình 4 người từ 24 373$ đến 27 542$.

(Source : Recensement Canada 2006. Dictionnaire des définitions, tabeau 17 , Catalogue 92- 566-XWF).

Nếu lợi tức dưới ngưỡng nghèo của người Việt ở Canada là 18% thì người Việt ở Québec, đặc biệt ở British đến Columbia có ngưỡng nghèo cao hơn tỷ lệ trung bình nầy (24%). Tỷ lệ thất nghiệp ở hai tỉnh nầy giải thích phần nào tình trạng.

Ngược lại, số người có lợi tức trên 50 000$ ở Québec lên đến 16%, so với 14% ở Ontario và Alberta, 7% ở British Columbia. Trình độ học vấn, mức độ hội nhập và cách hành nghề của người dân tại mỗi tỉnh đã qui định mức lợi tức.

So với người Canadiens, lợi tức trung bình đồng niên là 33 678$ và tỷ lệ người sống dưới ngưỡng nghèo là 6.5%, cách biệt về lợi tức giữa người Việt và người bản địa quá lớn, đặc biệt với người cao niên, đa số chỉ dựa vào tiền hưu bổng Canada (Pension de la vieillesse) và tiền phụ trôi hưu bổng (Supplément de revenu garanti)

Bảng 14. Các loại hoạt động kinh tế của người Việt theo thống kê 2006 *
Canada Québec Ontario B.Columbia Alberta
Tổng số nhân công làm việc
(trên 15 tuổi)
92 180 16 570 41 600 15 860 14 355
11-Nông, lâm, chài lưới 2 140 2,3% 45 0,3% 545 1,3% 1390 8,8% 135 1%
21-Lọc dầu,quặng mỏ 625 0,6% 15 0,1% 45 0,1% 20 0,1% 540 3,8%
22-Phục vụ công chúng 400 0,4% 125 0,7% 140 0,3% 40 0,2% 75 0,5%
23-Xây cất 3195 3, 5% 205 1,2% 1280 3% 875 5,5% 760 5,3%
31-33 -Chế biến 24 545 27% 3360 21% 14675 35% 2515 16% 3185 22%
41-Buôn sỉ 4 050 4% 595 4% 1950 4,6% 670 4,2% 755 5,3%
44-45- Buôn bán lẻ 9 000 9,7% 1435 9 % 3735 9% 1765 11% 1590 11%
48-49- Chuyên chở và tồn kho 1 865 2% 265 1,5% 895 2% 280 2% 310 2%
51-truyền thông và văn hóa 2 155 2,3% 465 2,8% 905 2% 440 2,7% 260 1,8%
52- Tài chánh, bảo hiểm 3 050 3,3% 795 4,8% 1455 3,5% 395 2,5% 300 2%
53- Địa ốc 1 245 1,3% 285 0,2% 535 1,2% 180 1% 170 1,2%
54- Khoa học kỹ thuật 5 225 5,7% 1410 8,5% 2250 5,4% 635 4% 840 6%
55-Quản trị xí nghiệp 85 0,1% 10 0,1% 70 0,1% 0 10
56-Phụ việc, Xử lý chất thải 3 435 3,7% 405 2,4% 1435 3,5% 925 6% 470 3,5%
61-Giáo dục 2 225 2,4% 615 3,7% 755 2% 340 2% 380 2,6%
62- Y tế, xã hội 5 875 6,3% 2085 12,5% 1990 4,8% 845 5,3% 695 4,8%
71- Giải trí, kịch nghệ 1 260 1,3% 225 1,2% 505 1,2% 285 2% 220 1,5%
72- Tiệm ăn, khách sạn 10 960 12% 2440 15% 3495 8,5% 2245 14% 2035 14%
81- Dịch vụ linh tinh 8 515 9,3% 1105 7% 3945 10% 1830 11,7% 1335 9,5 %
91- Công chức, quản trị công sở 2 340 2,5% 685 4 % 1000 2,5% 195 1% 285 2%

* Theo bảng phân loại Kỹ nghệ ở Bắc Mỹ năm 2002

Nguồn : Statistique Canada.Recensement 2006. Catalogue 97-564 XCB2006007 (Các con số tỷ lệ do tác giả tính theo số tròn thập phân)

Bảng thông kê trên trình bày khá rõ rệt diện mạo sinh hoạt kinh tế của người Việt ở Canada.

- Sinh hoạt chính yếu của người Việt là làm việc trong các hảng xưởng chế tạo (fabrication). So với tỷ lệ trung bình là 8% người Canadiens làm việc trong lãnh vực nầy, đối với người Việt, trung bình cứ 4 người Việt (27%) thì có một người làm việc trong các hảng xưỡng chế tạo vật phẩm. Với Ontario là tỉnh bang kỹ nghệ , tỉ lệ nầy rất cao (35%) trong khi sinh hoạt nầy không mấy phát triển ở các tỉnh bang khác, đặc biệt ở British Columbia (16%). Nhưng tài nguyên thiên nhiên của từng địa phương đã qui định phần nào các ngành nghề của người Việt : chài lưới và đánh cá ở British Columbia (8.8%), khai mỏ, lọc dầu ở Alberta ( 3.8%).

- Ngoài các ngành nghề trong hảng xưởng, phần lớn là công nhân và nhân viên cán sự , hai sinh hoạt căn bản của người Việt là buôn bán lẻ và khai thác tiệm ăn. Tỷ lệ người buôn bán lẻ tại hai tỉnh bang miền Đông là Québec và Ontario giống nhau (9%) trong khi hai tỉnh ở miền Tây là British Columbia có cùng tỷ lệ là 11%. Trái với định kiến thông thường, Ontario là tỉnh bang có đông người Việt nhất nhưng lại có tỉ lệ tiệm ăn ít nhất (8.5%) bởi sự cạnh tranh của tiệm ăn Tàu, nhưng phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh bang khác, đặc biệt ở Québec (15%), bởi lẽ người Québécois rất ưa thích thức ăn Việt Nam. Chỉ trong 30 năm, các tiệm ăn Việt Nam ở Québec đã vượt qua các tiệm ăn người Ý, vốn phồn thịnh trước khi người Việt Nam đặt chân đến.

- Québec nổi bật trong các sinh hoạt chuyên nghiệp : 12.5% trong lãnh vực y tế xã hội, 8.5% trong lãnh vực khoa học kỹ thuật và 3.7% làm giáo dục . Tỷ lệ người sinh hoạt trong ba lãnh vực nầy chiếm đến 24.7% ở Québec trong khi tỉ lệ nầy thấp hơn ở ba tỉnh bang khác : Alberta (14.4%), Ontario (12.2%), British Columbia (11.3%).

- Nhưng dù có vài khác biệt trong các sinh hoạt kinh tế tùy địa phương, trừ những người có cơ may được đào tạo lại ngắn hạn để tiếp tục nghề cũ (thường giới y sĩ, dược sĩ và một số ít kỹ sư), nói chung người Việt các ngành nghề khác phải chấp nhận làm việc trong sự xuống cấp, bởi kiến thức, kinh nghiệm và ngôn ngữ không thích ứng với môi trường sống mới, tỷ lệ người Việt thất nghiệp (8.3%) nhiều hơn người bản xứ (7.4%). Trầm trọng nhất là ở tỉnh bang British Columbia với 9.8% và khả quan nhất là ở Alberta (4.3%) nhờ sự phát triển kỹ nghệ khai thác dầu hỏa.

Một cộng đồng tương đối bền vững đời sống gia đình

Đa số gia đình người Việt kết hợp bằng một cuộc hôn nhân (48%). Tỷ lệ người sống chung ngoài hôn nhân (union libre) vẫn còn ít (5%) so với người bản xứ (10%). Cảnh chia lìa vì chiến tranh, vì ly tán gia đình do sự xung khắc của những hệ thống giá trị, nếp sống và suy tư, đã khiến 9% người Việt phải sống ly thân hay ly dị, nhưng vẫn còn rất ít so với người Canadiens (14%). Số người sống độc thân vẫn khá nhiều (39%) nhưng vẫn còn ít hơn rất nhiều so với người Canadiens (48%).

Đối với người già, tuy có nhiều báo động về hiện trạng người già bị bỏ rơi, cộng đồng người Việt ở Canada còn duy trì được truyền thống nuôi dưỡng, săn sóc người già trong gia đình bởi con cháu hay thân tộc.

Đa số người già VN vẫn sống chung với gia đình con trai hay con gái (21%), chỉ có 8 % sống riêng rẻ, trong khi tỉ lệ nầy đối với người già Canadiens đến 29%.

Nếu tình trạng người già Việt Nam chưa « mất giá », vì ngoài tình hiếu thảo của con cháu, phải hiểu rằng hệ thống an sinh của Canada cũng góp phần cải thiện đời sống cho người già có một bảo đảm tương đối tốt về phương diện tài chánh và y tế, vì vậy người già VN tại Canada thường ví von : Khi trẻ nuôi con, lúc già nhà nước nuôi (đối với người già « vô sản », hưu bổng và phụ cấp của chánh phủ mỗi tháng cho một người độc thân tối đa khoảng 1 100$, cho vợ chồng khoảng 1 600$ không kể miển phí y tế và phần lớn thuốc men) Nhưng nếu phải nói thêm mặt trái của chữ hiếu : có khi cha mẹ phụ giúp cho con với « tiền già » khi ở chung với con !!!

Phân nửa dân số VN ở Canada theo Phật giáo

Gần phân nửa người Việt ở Canada (48%) theo Phật giáo, 22% theo Thiên chúa giáo, 5% theo Tin Lành và các tôn giáo khác. Điều ngạc nhiên là tỉ lệ số người Việt không theo một tôn giáo nào (25%) cao hơn tỉ lệ người bản địa (17%)

Chùa và tu viện Phật giáo là biểu tượng cho sự quần cư cũng như sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của người Việt mọi lứa tuổi vì các lớp Việt ngữ, các gia đình Phật tử, các trung tâm Phật học đã tạo môi trường cho người Việt có dịp gần gũi nhau. Trong chiều hướng ấy, những cơ quan tôn giáo còn là những cơ quan cộng đồng và nhiều khi mang màu sắc địa phương cũng như bản sắc xã hội của những người lai vãng. Cuộc điều tra của Mark E. Pfeifer cho biết vai trò của các cơ quan tôn giáo ở Toronto còn quan trọng hơn các tổ chức hiệp hội, cộng đồng, trong việc giúp đỡ người dân hội nhập vào xã hội mới vì có sự trao đổi thông tin hữu hiệu giữa các đồng hương tín đồ và niềm tin với các người lãnh đạo vốn là những người vô vị lợi và phi chánh trị bởi lẽ người dân đã mệt mõi với các tuyên ngôn.

- Ontario là tỉnh bang có chùa và tu viện nhiều nhất. Trong số 22 cơ quan Phật giáo, Toronto có 9 chùa : (Cam Lộ Vương, Chánh Giác, Hoa Nghiêm, Huê Lâm, Linh Sơn, Long Hoa, Phổ Hiền, Xá Lợi, A Di Đà); Ottawa có 2 chùa : Phổ Đà, Hiếu Giang Ni Tự ; London có 3 chùa (Tịnh Quang, Thiền Viện Minh Đăng Quang và Niệm Phật đường London); Windsor có 2 chùa (Linh Sơn, Phổ Minh) và tại những thành phố ngoại vi của Toronto, nơi nào cũng có một ngôi chùa : Mississauga (Pháp Vân), Kitchener ( Viên Quang), Hamilton (Hương Đàm), Gloucester (Từ Ân), Niagara Falls (Vạn Phật), Lanark (Thiền Trang Chân Nguyên).

- Sau Ontario là tỉnh bang Québec có 11 ngôi chùa trong đó 6 tại Montréal : Huyền Không, Linh Sơn, Quan Âm, Tam Bảo, Thuyền Tôn, Từ Quang và 5 tại các thành phố nhỏ : Brossard (chùa Liên Hoa), Beauport (Bồ Đề), Canton d’Harrington (Đại Tùng Lâm), Lantier (Đạo Viên), Val-des-Monts (Phổ Đà Viên).

- British Columbia có 10 chùa : 3 ở Vancouver (Bảo Lâm, Chân Quang, Thiền Tôn), 2 ở Victoria ( Vạn Hạnh, Pháp Hoa), 2 ở Surrey ( Lâm Tỳ Ni, Tịnh Thất Thường Tịch) và mỗi nơi một ngôi chùa ở Burnaby (Hoa Nghiêm), Mission (Thôn Đoài), Nanaimo (Hải Ân).

- Tại tỉnh bang Alberta, tại mỗi thành phố có 2 chùa : Edmonton (Phật Quang, Trúc Lâm), Calgary (Bát Nhã, Hoa Nghiêm)

- Tại các tỉnh ít có người Việt, mỗi nơi có một ngôi chùa : chùa Chánh Tâm ở Saskatchewan, chùa Hải Hội ở Manitoba.

- Tại 4 tỉnh bang phía Đông Bắc, với dân số quá ít ỏi không lập được chùa.

Đối với Thiên chúa giáo, ngay sau khi định cư ở Montréal vào tháng 5 năm 1975, vài mươi giáo dân đầu tiên phải đi dự thánh lễ chúa nhật ở Đại Chủng Viện của người Québécois dưới sự chủ lễ của linh mục Trần Tử Nhản. Với sự gia tăng giáo dân theo đà gia tăng của người Việt tị nạn, Tòa Giám Mục Montréal cho phép thành lập ngày 9-11-1979 Cộng Đồng Công Giáo VN như một đặc xứ (mission) với danh xưng là Mission Catholique vietnamienne Bienheureux André Trung, sau đổi tên là Mission des Saints-Martyrs du Viet Nam (sau ngày phong 117 thánh tử đạo VN năm 1989). Cộng Đồng được giao cho một ngôi nhà thờ ở đường Bélanger, nơi đó, ngoài những buổi thánh lễ còn là nơi đào tạo các linh mục và các sinh hoạt giáo lý và văn hóa cho độ 4000 giáo dân trong vùng.

Ngoài ra, cộng đồng công giáo thứ hai ở vùng Saint-Jean/Longueuil (Rive-Sud) phục vụ cho tín đồ Thiên chúa giáo vùng ngoại ô phía Nam của Montréal.

Để tạo tinh thần thân hữu, chia sẻ kinh nghiệm mục vụ giữa các giáo sĩ và tu sĩ người Việt trên toàn thể Canada, ngày 25 tháng 7 năm 2002, tổ chức « Liên giáo sĩ và tu sĩ công giáo Việt Nam tại Canada » được thành lập. Năm 2006, tại Canada có 88 giáo sĩ, 10 nam tu sĩ, 41 nữ tu sĩ và 19 chủng sinh.

Theo thống tin của tổ chức : « Ước chừng 30 000 người sống rải rác trên 20 địa phận Canada từ đông chí tây được tập hợp thành 19 cộng đoàn lớn nhỏ. Trong số nầy có 5 cộng đoàn được nâng lên thành giáo xứ (parish), có Cha xứ người Việt Nam chăm sóc; 5 cộng đoàn khác được công nhận là họ đạo (mission) có cha sở người Việt Nam chăm sóc ; số còn lại là những cộng đoàn (Catholic community) có các linh mục Việt Nam làm quản nhiệm. »

Tại Ontario có 8 cộng đoàn : Toronto (6000 giáo dân), Mississauga (2000 giáo dân), North York (2000 giáo dân), Hamilton (1000), Windsor (1000), Kitchener- Waterloo (750), London (400) , Ottawa (1200).

Tại Québec có 3 cộng đoàn : Montréal (4000 giáo dân), Rive-Sud (1000) và Ville de Québec (ở Sainte-Anne-de Beaupré : 400 giáo dân).

Tại British Columbia có 3 cộng đồng : Vancouver (5000 giáo dân), Surrey (2000) và Victoria (500)

Tại Alberta có 2 cộng đoàn : Calgary (3500 giáo dân) và Edmonton (3000)

Tại Saskatchewan có 2 cộng đoàn nhỏ : Regina (400) và Saskatoon ( 200)

Tại Winnipeg có 1 cộng đoàn Winnipeg (1200 giáo dân)

(Source : www.gpnt.net/diendan/archives/index-php/t-4201.html

Một niềm danh dự lớn lao cho cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Canada và cả ở hải ngoại là ngày 7 tháng 11 năm 2009, cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, trước là cha xứ nhà thờ St Cecilia ở Toronto đã được cử làm giám mục. Tân giám mục 48 tuổi là một người di tản được xem là vị giám mục trẻ tuổi nhất của Canada.

Một cộng đồng không chấp nhận chế độ Cộng Sản

Ngay từ khi đặt chân trên đất mới, người Việt di tản đã mang theo mối thù với Cộng Sản, và bằng mọi giá phải triệt hạ những hội đoàn thân Cộng Sản. Tại Montréal, lợi dụng sự chiến thắng của Cộng Sản trong nước, « Hội Việt Kiều yêu nước » công khai lập công ty độc quyền Imex chuyển vận hàng hóa mà người di tản, dù không hợp tác vẫn phải tiếp xúc để nhờ họ chuyển quà về cho thân nhân đang đói khổ ở VN (gọi là độc quyền bởi lẽ người Viêt ở Mỹ cũng phải tập trung hàng hóa về đây qua các chi nhánh). Đầu thập niên 80, sau một thời gian làm ăn phát đạt, nhóm Cộng Sản thời cơ nầy chia chát tài sản, đóng cửa tờ báo (Đất Việt) khi cộng đồng người Việt di tản lớn mạnh, hay đúng ra khi bọn họ không còn làm ăn được nữa.

Trực diện với áp bức, khốn khổ, con người cần tìm gặp nhau để đùm bọc che chở cho nhau, do đó các hội người Việt (có tên là Cộng đồng người Việt vùng Montréal, vùng Toronto, vùng Ottawa...) lần lượt ra đời ngay từ 1976 để điều hợp và phát triển các chương trình tương trợ, hội nhâp và sinh hoạt chính trị của người Việt trong vùng. Năm 1980, 5 Cộng đồng người Việt các vùng Montréal, Ville de Québec, Sherbrooke, Toronto và Ottawa lập thành Liên Hội Người Việt Canada, trụ sở đặt ở Ottawa và đến nay đa số các hội người Việt ở các địa phương đều tập hợp trong Liên Hội nầy để « phối hợp các hoạt động tập thể của người Việt tại Canada trong phạm vi bảo tồn và phát huy văn hóa Việt ... » (điều lệ 2).

Với chánh sách đa văn hóa của Canada (multiculturalisme) và liên văn hóa của Québec (interculturalisme), theo đó Canada khuyến khích cho các văn hóa sắc tộc phát triển trong nền văn hóa của Canada, nhiều hội đoàn đã nở rộ trong thập niên 80, từ những nhóm nhỏ đến những tổ chức lớn, từ hội ái hữu đến hội văn hóa, hội chính trị đến tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp và hội sinh viên , sinh hoạt cộng đồng vô cùng rộn rịp ở nhiều lãnh vực, nhiều tỉnh bang. Chỉ tại thành phố Montréal, năm 1990, theo cuộc điều tra của Jean-Jacques Dorais trong les Vietnamiens de Montréal có đến 63 hội đoàn. (p.79).

Ngoài sinh hoạt riêng theo mục đích của từng hội, mẫu số chung của tất cả các hội là chủ trương quốc gia, hay nói khác là chống Cộng Sản. Cũng như đa số người Việt ở hải ngoại, người Việt ở Canada có nhiều cách chống Cộng. Có người hăng hái đi biểu tình chống đối những vi phạm nhân quyền của Cộng Sản tại quê hương, phản đối các ca sĩ đến từ VN, luôn cả các đồng bào ham văn nghệ mua vé đi xem, có người nhất định không về VN, không giúp đỡ VN dưới mọi hình thức kể cả không mua hàng hóa made in VN, có người viết văn viết báo chống đối chế độ, nhưng đa số dù không tham gia các sinh hoạt nổi hay chìm, tâm tư của gần như tất cả người Việt là không chấp nhận chế độ Cộng Sản.

Tuy nhiên, sau những xúc động, tích cực dấn thân, sau khi đã an cư lạc nghiệp, và với tuổi đời thêm chồng chất, những sinh hoạt của hội đoàn càng lúc càng không còn đủ hấp lực giữ chân họ lại lâu dài. Người tham dự đã ít, người ra đi hay bất động càng lúc càng nhiều, sinh hoạt hội đoàn đã mất nhịp độ trăm hoa đua nở của hai thập niên trước. Từ nhiều năm nay, các hội đoàn ở Canada « săn tìm » sự tham gia của giới trẻ để thay thế thế hệ cha ông. Nhiều cuộc hội thảo có sự góp mặt hăng say của giới trẻ, nhưng họ đến họ đi như những cơn tuyết của xứ Canada, các người lãnh đạo các hội đoàn từ ba mươi năm nay đa số vẫn là các gương mặt cũ. Giới trẻ chẳng tha thiết gì với chuyện sinh hoạt cộng đồng, hội đoàn, phải chăng vì giới trẻ chẳng có chỗ đứng, chẳng có lợi lộc gì bởi họ đã tách ra khỏi cộng đồng và đất nước VN, bởi thông điệp của của cha ông không làm xúc động được họ trước nhịp sống quay cuồng mà họ phải thường xuyên trực diện. Nhưng không phải chỉ nên than phiền giới trẻ, giới lãnh đạo lão niên cũng cần thành tâm hỏi với chính họ là họ có thực sự tha thiết muốn trao quyền cho giới trẻ hay vẫn muốn tiếp tục « gồng gánh » với sứ mạng mà họ tự trao cho trong khi ý chí và sinh lực của họ đã suy cạn dần.

Thay lời kết

Trong lịch sử di cư và lập cư cận đại, sự có mặt của người Việt tại Canada mang nhiều bản chất đặc thù khác biệt với các dân tộc đã sinh cơ lập nghiệp trên dãi đất nầy từ một thế kỷ qua.

Trước hết phải nói đến thân phận của những kẻ mất nước. Trái với những dân tộc khác bỏ xứ ra đi vì chính trị hay vì kinh tế, luôn mơ đến ngày trở về nơi quê cha đất tổ, nhưng người Việt ở Canada (và có thề nhiều nơi ở hải ngoại) sống mãi với nỗi đau của kẻ mất quê hương. Tuy nước Việt Nam vẫn còn đó, nhưng đa số người Việt Nam rời đất nước sau 1975 không cảm thấy đất nước ấy còn là của họ, bởi họ đã đồng hóa chế độ và lãnh thỗ. Bao giờ chế độ đã giết hại, cầm tù, đày đọa họ, thân nhân và đồng bào họ trong cảnh khốn cùng vẫn còn tồn tại, bấy giờ họ cảm thấy ngày về là sự phản bội với lương tâm và lương tri. Họ sống trong nỗi đau chờ ngày về và nhiều người đã vĩnh viển ra đi trước khi trở về nhìn lại xóm làng, căn nhà cũ của họ nay đã đổi chủ. Thế hệ con cháu họ chắc chắn không thấu hiểu nỗi dằn vặt nầy và quê hương của chúng không hẳn là nước Việt Nam.

Nói đến thế hệ con cháu là nói đến một nỗi ưu tư khác. Tại Canada, chỉ trong hơn 30 năm, đa số thế hệ người Việt thứ hai và đặc biệt thế hệ thứ ba đã quá hội nhập đến độ quên mất gốc nguồn. Không có một dân tộc nào xóa bỏ căn cước (identity) một cách nhanh chóng như dân tộc Việt. Phải hiểu rằng hoàn cảnh lập cư đặc biệt của người Việt, đa số phải bắt đầu làm lại cuộc đời lúc nửa đời người, họ phải học hỏi và tìm cách hội nhập vào một nền văn hóa xa lạ cùng lúc với con cháu họ, và ước muốn tạo dựng lại một thế đứng, một quân bình đã khiến họ phó thác cho xã hội mới và văn hóa mới đào tạo đám con cháu họ. Thanh thiếu niên cũng phải phấn đấu tìm chỗ đứng, chúng cũng không muốn suy nghĩ và hành động khác biệt với bạn hữu của chúng là người da trắng, chủ nhân đất nước đã đón nhận chúng, bởi chúng quan niệm rằng sống với cái cộng đồng của cha mẹ chúng là sống ghetto. Trong hoàn cảnh ấy, nếu đa số người Việt, sau một thời gian làm việc cực lực có thể ổn định được đời sống kinh tế, mua sắm được gia cư, và trẻ con Việt Nam là những học sinh giỏi, những chuyên viên lành nghề, thì chuyện giới trẻ không nói được tiếng Việt, quên gốc nguồn cũng là chuyện tất nhiên. Đó là cái giá hội nhập phải trả của một dân tộc vô tổ quốc, thiếu cơ cấu cộng đồng để nương tựa, thiếu cơ cấu gia đình để gìn giữ giềng mối, đành phải khuất phục hay có khi muốn khuất phục trước sự đàn áp của một ngôn ngữ và văn hóa mạnh hơn (diglossie).

Sau hơn 30 năm, tuy đa số người di tản nay đã an cư lạc nghiệp, nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến vẫn còn tiếp tục gieo rắc khổ đau trên nhiều gia đình ngoài quê hương. Người ở lại trong nước, trừ một thiểu số vinh thân phì gia nhờ bạo lực, đại đa số phải kéo dài kiếp sống trong thiếu thốn và bất công. Đạo lý Việt Nam đã khuyên dạy người Việt tương thân tương ái, nhưng giáo điều Cộng Sản dạy dỗ con người dối gạt, phi nhân. Việc gởi tiền về Việt Nam giúp thân nhân, việc bảo lãnh thân nhân rời khỏi cái đất nước khốn khổ nầy đã tạo bao thảm trạng xung đột, chia lìa, bởi lẽ người ra đi và kẻ ở lại đã nhanh chóng thay đổi nhân sinh quan, tâm tình lẫn tâm tính. Ngoài ra, người lính trong cuộc chiến đã phải hy sinh mạng sống, nếu còn may mắn nguyên vẹn hình hài thì phải chịu tù đày, và nếu có cơ may thoát đi được thì khi đến nơi định cư tuổi đã già, nhiều người phải tiếp tục cuộc sống âm thầm trong tủi nhục khi bị người thân, bằng hữu, đã may mắn đi trước quay lưng ngoảnh mặt, có khi còn phản bội.

Làm sao nói hết được những thảm cảnh của người Việt từ lúc xuống ghe cho đến ngày xuống lòng đất lạnh.

Và cũng nói sao hết được cái diễm phúc của 180 130 người Việt sống trên Xứ Tuyết, dù trong bất cứ trạng huống nào cũng vẫn còn may mắn hơn 80 triệu đồng bào của họ đang sống trong nghèo đói và áp bức dưới chế độ Cộng Sản.

Lâm Văn Bé

Montréal 10/02/2010

điều hướng đến trang trước của bài viết điều hướng đến trang tiếp theo của bài viết