Phần 1 : Quá trình lập cư của người Việt ở Canada


Cuộc di dân và lập cư của người Việt trên xứ Tuyết có thể chia ra 3 giai đoạn dựa trên những biến cố chính trị ở Việt Nam và chính sách di dân của Canada. Ba giai đoạn nầy cũng tương ứng với đặc tính chính yếu của đa số người nhập cư và sự phân phối người Việt tại các tỉnh bang.

Giai đoạn 1975-1978

Từ đầu tháng 5 năm 1975, chánh phủ Canada đã thỏa thuận, theo lời yêu cầu của chánh phủ Mỹ, chấp nhận 2000 người Việt đã được người Mỹ di tản đến cái trại tiếp cư ở các căn cứ Subic Bay, Guam, Wake, hay trên lãnh thổ Hoa Kỳ được phép đến định cư ở Canada.

Ngoài số người tị nạn mới đến, trên lãnh thổ Canada đã có độ 1500 người Việt mà phần lớn tập trung ở tỉnh bang Québec, số còn lại rải rác ở Ottawa và Toronto (mỗi nơi khoảng hơn 100) và Moncton (tỉnh bang Nouveau-Brunswick). Số người Việt nầy là du sinh tự túc đến Canada phần lớn sau 1970, một số khác là du sinh được học bổng Colombo, nhưng sau khi tốt nghiệp không trở về nước vì chiến tranh, cưới vợ người Canadiennes và làm việc trong các lãnh vực giáo dục và kỹ thuật. Ngoài ra, một số khác là sinh viên đã tốt nghiệp từ các đại học ở Âu châu, Hoa Kỳ và Nhật không trở về VN, xin nhập cư hay tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Canada và được hợp thức hóa tình trạng cùng lúc với dân tị nạn mới đến.

Theo Louis-Jacques Dorais, trong Les Vietnamiens de Montréal, thì «đầu năm 1975, tức vài tháng trước khi Saigon mất, tại thành phố Montréal có độ 800 người Việt tập trung phần lớn gần khu đại học Montréal » (tr.23). Cũng theo Dorais, những người Việt đầu tiên có mặt trên xứ Tuyết nầy là 20 nữ tu dòng Carméliques đã rời bỏ Hànội năm 1954 khi Cộng Sản cầm quyền ở miền Bắc. Số nữ tu nầy được tị nạn tại một tu viện ở vùng Lac Saint-Jean (tỉnh bang Québec). Nhưng người di dân Việt Nam đầu tiên trên đất Canada phải kể là bà Phạm Thị Ngọc Lang, mẹ của Céline Galipeau, nữ xướng ngôn viên của đài truyền hình quốc gia Radio-Canada hiện nay, khi năm 1953, bà Lang đến Montréal kết hôn với Georges Galipeau, đoạn kết cuộc tình giữa hai sinh viên Việt - Canadien gặp nhau trên chuyến tàu viễn dương Saigon-Marseille (Les racines des Vietnamiens, p. 170).

Trong 2 năm 1975 và 1976, độ 6500 người tị nạn đến Canada, tập trung phần lớn tại tỉnh bang Québec, đặc biệt tại thành phố Montréal (1975 : 1 808 người; 1976 : 1911 người). Đa số lớp người tị nạn nầy thuộc thành phần trí thức, chuyên gia, những cán bộ cao cấp và trung cấp trong chánh quyền VNCH hay những người có tài sản. Họ chọn Québec, tỉnh bang Pháp thoại trong số 10 tỉnh bang của Canada bởi họ đã được hấp thụ ít nhiều văn hóa Pháp hay họ đến đoàn tụ với con họ đang học hay làm việc tại tỉnh bang nầy. Cũng trong lớp người nầy, từ 1975 đến cuối 1978, có độ 1500 người chọn Ontario là tỉnh bang Anh thoại, để lập nghiệp, tập trung phần lớn ở vùng Toronto (1000 người).

Tưởng cũng cần nói thêm là số người tị nạn đến Canada phải hoàn lại chánh phủ Canada chi phí chuyên chở từ trại tị nạn đến Canada vì Canada chẳng có trách nhiệm nào trong cuộc chiến VN, tuy Canada đã trực tiếp tham dự vào hai Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến ở VN (CICS : Commission internationale de contrôle et de surveillance) là Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến 1954-1973 (Canada, Ân Độ, Ba Lan) và Ủy Ban Kiểm Soát sau hiệp định Paris (1973-75) . Và cũng phải nói thêm rằng ngành ngoại giao của Canada đã «trưởng thành» với những thử thách trong 20 năm có mặt trong hai Ủy Ban nầy, vừa phải đối phó với sự tráo trở của khối Cộng Sản, vừa phải cố giữ thể diện với người bạn đồng minh và láng giềng đàn anh Hoa Kỳ, nhờ đó mà Canada hôm nay là một quốc gia uy tín có mặt hầu hết trong các hòa giải và tổ chức hòa bình thế giới.

Tuy không chuẩn bị cuộc di cư, nhưng những di dân trong đợt nầy làm lại cuộc sống tương đối dễ dàng nhờ trình độ văn hóa và ý chí tái xây dựng mạnh với vài giúp đỡ tối thiểu của chánh phủ và các cơ quan thiện nguyện lúc ban đầu. Sự giúp đỡ của chánh phủ được thưc hiện dưới hình thức tiếp cư (tạm trú ở khách sạn Queen), được cung cấp một số nhu yếu phẩm cần thiết (với trợ cấp 300$), cho tiền thuê nhà từ 1-2 tháng, giới thiệu việc làm. Tại Québec, trẻ con đươc nhập học trong các lớp đặc biệt chuyển tiếp (classe d’accueil) để sau một năm có thể theo chương trình bình thường, cha mẹ chúng, nếu không nói đươc tiếng Pháp được chánh phủ trợ cấp đi học tiếng Pháp tại các lớp COFI (Centre d’orientation et de formation des immigrants) trong 30 tuần. Với những cố gắng phi thường, số người di tản đợt nầy, sau một hai năm đã có thể ổn định được cuộc sống mới, đa số những người hành nghề trong giới y tế (bác sĩ, dược sĩ) hay kỹ thuật, có thể trở lại ngành nghề cũ. Một số người chuyển ngành, chuyển nghề cũng tìm đươc việc làm thích nghi sau một thời gian làm những công việc « lao động ». Một yếu tố thuận lợi khác là vào thời nầy Montréal đang chuẩn bị tồ chức Thế Vận Hội 1976 và Hydro - Québec cũng đang xây dựng hạ tầng cơ sở thủy điện ở vùng Baie-James nên một số chuyên viên kỹ thuật, cán sự và ngay cả thợ không chuyên môn cũng có thể tìm được việc làm, tuy xuống cấp về phương diện nghề nghiệp và lương bổng so với người bản xứ, nhưng với ý nguyện chấp nhận gian khổ để tái xây dựng, những người Việt di tản những năm ấy có được một công việc làm trên đất mới phải cảm nhận vô cùng hạnh phúc so với đồng bào của họ đang oằn oại trong tủi nhục và nghèo khổ trên quê hương.

Giai đoạn 1979-1982

Chánh sách tù đày, thù hận và kinh tế suy sụp của Cộng Sản đã khiến người Việt oán hờn tìm mọi cách ra đi dù phải hi sinh mạng sống. Từ tháng 7 năm 1978, làn sóng thuyền nhân (boat-people) lại bắt đầu xuất hiện trên hải phận Thái Bình Dương với một mức độ gia tăng dù nhiều thuyền nhân đã bị chôn vùi giữa biển cả hay nạn nhân của hải tặc (thực ra những người thoát được Cộng Sản năm 1975 cũng đã là boat-people). Thảm cảnh thuyền nhân đã gây một xúc động lớn cho thế giới và tại Canada, « biến cố » tàu Hải Hồng đã mở đầu cho cuộc di dân thứ hai của người Việt.

Hải Hồng là một chiếc tàu rỉ sét gần như phế thải (đóng năm 1954) rời VN ngày 15 tháng 10 với 2654 người trên tàu, đa số là người Việt gốc Hoa, đến Mã Lai ngày 9 tháng 11 sau khi đã bị cơn bão Rita vồ vập trên biển cả. Chánh phủ Mã Lai không cho tàu cập bến, dù người tị nạn trên tàu đã kiệt quệ, và tờ Globe and Mail ở Toronto, trong số báo ra ngày 14 tháng 11 đã báo động « những người Việt trên tàu không đứng dậy được, trong số 1280 trẻ con trên tàu, rất nhiều trẻ bị bịnh và bịnh truyền nhiểm sẽ lan ra cho cả tàu » (L’odyssée de Hai Hong p. 12).

Chính trong bối cảnh bi thương ấy, chính phủ Canada đã tiên phong chấp nhận cứu trợ 604 người (trong đó Québec nhận 200) trước khi Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sỉ và Úc theo gương Canada.

Thảm cảnh Hải Hồng đã khơi dậy tình thương và sự cởi mở của chánh phủ và người dân Canada đối với thuyền nhân Việt Nam. Ngày 7 tháng 12 năm 1978, chánh phủ ra sắc lịnh khuyến khích các hiệp hội, tư nhân bảo trợ người tị nạn Đông Dương (với một số quyền lợi thí dụ như miễn thuế lợi tức…) và chánh phủ cam kết sẽ bảo trợ một số người tị nạn tương đương với số người do tư nhân và hiệp hội bảo trợ. Kết quả của chương trình nầy đã vượt quá chỉ tiêu (50 000), vì chỉ trong hai năm 1979 và 1980 đã có 7000 đoàn thể (một nhóm 10 người được xem như một đoàn thể) đã bảo trợ được 36 000 dân tị nạn và chánh phủ chấp nhận 24 000 (trong số có một số người tị nạn gốc Miên, Lào, Hoa). Cũng cần nói thêm là chính phủ Canada lại vừa có dự án tái áp dụng kinh nghiệm bảo trợ song hành với tư nhân trong việc chấp nhận một số người Haïtiens được nhập cư sau cuộc động đất kinh khủng hồi tháng giêng 2010.

Chính trong đợt di dân nầy đã làm cộng đồng người Việt phát triển về dân số và tản mác khắp các tỉnh bang, nhiều nhất là ở tỉnh bang Ontario. Tuy nhiên, so với đợt di dân trước, thành phần người di dân đợt nầy không đồng nhất, nếu có một số chuyên viên, quân nhân công chức, người khá giả nhưng đa số gồm người có học lực thấp, vô sản khi đến đất định cư (sau khi đã bị Cộng Sản cướp giựt trong mấy lần đổi tiền và đóng tiền để lên tàu)

Giai đoạn từ 1982 đến nay

Từ năm 1982, di dân Việt Nam đến Canada thuộc dạng đoàn tụ gia đình và kéo dài suốt gần 30 năm nay, và 75% người Việt ở Canada nhập cư trong thời gian nầy. Thống kê Canada năm 2001 cho biết, 44% người Việt đến Canada từ 1981 đến 1990, và 31% từ 1991 đến 2001. Trong 5 năm, từ 2001 đến 2006, chỉ có 10 545 người di dân đến Canada.

Nếu những người tị nạn ở những giai đoạn trước vẫn phải trải qua bao gian khổ, nhục nhằn, nhưng họ vẫn còn may mắn hơn những người đến muộn bởi lẽ họ đã sớm thoát được Cộng Sản hay được giúp đỡ lúc ban đầu định cư. Những di dân Việt Nam đến trong giai đoạn nầy phải làm lại cuộc đời khi tuổi đời đã cao và trong tình trạng kinh tế khó khăn của quốc gia đón nhận. Tuy nhiên, những ngày tủi nhục trong chế độ Cộng Sản khiến họ rắn rỏi, kiên trì hơn và những gương thành công trong nhiều lãnh vực, nhất là trong thương trường, là những người đến Canada trong hai đợt sau nầy.

Ngoài ra, trong cuối thập niên 80, một số người rời VN từ miền Bắc Cộng Sản, trải qua nhiền năm tháng trong các trại tị nạn, đặc biệt sau khi trại tị nạn Hồng Kông đóng cửa, đã được Canada chấp nhận vì lý do nhân đạo. Một số người Việt nầy không hội nhập vào xã hội mới, sống ghetto, nhiều băng đảng hay nhóm người có các hoạt động ngoài vòng pháp luật (trồng cần sa) liên hệ không ít với nhóm người di tản từ miền Bắc Cộng Sản nầy. Họ rải rác khắp nơi, nhưng tập trung nhiều nhất ở tỉnh bang British Columbia. Tiếc thay, nhóm người nầy là hiện tượng một con sâu làm sầu nồi canh, tạo lý do cho những hiểu lầm và kỳ thị khi tập thể người Việt đã lớn mạnh trong can đảm và danh dự.

Bảng thống kê dưới đây cho thấy dân nhập cư nhiều nhất trong thời gian 1981-1990 và gần phân nửa số di dân nầy lập cư ở Ontario. Số dân định cư tại British Columbia trong thời gian nầy cũng nhiều hơn Québec, vốn là tỉnh bang đông người Việt vào những năm đầu tiên (1975-1978) để bắt kịp số dân Việt ở Québec.

Cuộc di dân đến Canada trong 5 năm cuối của thế kỷ (1996-2001) mỗi tháng trung bình chỉ khoảng 800 người trong số có những sinh viên VN du học với qui chế tạm trú. Phân nửa số người tạm trú nầy tập trung ở tỉnh bang Ontario, bởi lẽ đại đa số du học sinh VN theo học các đại học nói tiếng Anh.

Bảng 1. Dân số VN theo thời gian nhập cư tính đến 2001
(Canada và 4 tỉnh có đông dân VN)


Canada Ontario Québec B.Columbia Alberta
Trước 1961 170 55 65 25 25
1961 - 1970 620 175 305 80 25
1971 - 1980 25 750 9 870 7 035 3 745 3 890
1981 - 1990 47 265 22 125 8 070 8 575 6 565
1991 - 1995 23 975 11 605 3 235 5 185 3 000
1996-2001 9 235 4 390 1 650 1 610 1 120
Tổng số di dân 107 010 48 225 20 360 19 215 150
Tổngsố dân không phải di dân (*) 42 980 18 510 7 665 7 785 6 720
Dân tạm trú 1 420 715 285 195 150
Tổng cộng 151 400 67 450 28 310 27 195 21 495

* Dân sinh tại Canada hay sinh ngoài Canada có cha hay mẹ là người Candiens, hay đã có quốc tịch Canadien

Nguồn : Statistique Canada 2001, catalogue 97F 0010XCB2001040

Bảng 2. Thành phần dân số nhập cư đến Toronto từ 1978 đến 1993
NămĐoàn tụTị nạnĐộc lậpTổng số

1978 0 88 13 101
1979 24 2 650 9 2 683
1980 24 2 504 27 2 555
1981 118 776 85 979
1982 192 559 173 924
1983 434 449 384 1 267
1984 734 604 1 163 2 501
1985 627 736 733 2 096
1986 438 670 176 1 284
1987 354 635 133 1 122
1988 432 854 78 1 364
1989 706 1 186 56 1 948
1990 763 814 159 1 736
1991 1 019 495 233 1 747
1992 1 108 491 178 1 777
1993 1 249 256 134 1 639

Total8,22213,7673,73425,723

Source: Department of Immigration and Citizenship, Government of Canada. From Warwick R. Wilson, "Socio-Geographic Aspects of Settlement, Adjustment and Mobility: The Vietnamese in Toronto (Canada), 1981-1994", Research Paper Presented to the 7th Biennial Conference of the Association for Canadian Studies in Australia and New Zealand at Latrobe University, Melbourne, Australia, February 16-18th, 1995, p. 50.

Ngoài ra, Immigration Québec cũng công bố một cách chi tiết số người Việt Nam nhập cư đến vùng đại đô thị Montréal (région métropolitaine de recensement) từ lúc bắt đầu có cuộc di dân Việt Nam đến nay. Con số có chút khác biệt với thống kê Canada bởi lẽ theo các thỏa hiệp ký kết với Canada, Québec có quyền tuyển chọn số dân nhập cư đến Québec theo một số tiêu chuẩn riêng để ưu tiên cho người di dân nói tiếng Pháp.

Số người sinh tại Việt Nam nhập cư đến đại đô thị Montréal từ 1976 đến 2006

(Population immigeée selon le pays de naissance)

  • trước 1976 : 2 785 người
  • 1976 – 1980 : 4 925
  • 1981 – 1985 : 5 085
  • 1986 – 1990 : 3 575
  • 1991 - 1995 : 3 670
  • 1996 – 2000 : 1 395
  • 2001 – 2006 : 1 310
  • Tổng cộng: 22 745 người

Source:Population immigrée recencée au Québec et dans les régions en 2006/ publiée par MICC, mai 2009, p. 75.

navigate to next page of article