Hội Nghị Genève 1954


Sau khi giải quyết được khó khăn lớn về vấn đề đại diện cho các phe liên hệ, Hội Nghị Genève về Đông Dương khai mạc vào ngày 8-5-1954, một ngày sau khi Điện Biện Phủ thất thủ, với hai vị Ngoại Trưởng của Anh và Liên Xô làm đồng chủ tọa.18

Ngay từ đầu Hội Nghị, các phe liên hệ đều đồng ý là giải pháp cho Đông Dương phải khởi đầu bằng một cuộc ngưng chiến đặt dưới sự giám sát của một ủy hội quốc tế. Tại phiên họp ngày 19-5-1954, lần đầu tiên phái đoàn Việt Minh đề nghị một cách cụ thể sự phân chia lãnh thổ Việt Nam thành hai khu vực tập kết. Cùng ngày hôm đó, Hội Nghị ra thông cáo kêu gọi Bộ Tư Lệnh hai phe họp bàn ngay để có đề nghị cụ thể về vấn đề khu vực tập kết. Tuy nhiên Hội Nghị không tiến triển được nhiều về giải pháp cho Miên và Lào vì đề nghị của hai phái đoàn Việt Minh và Trung Quốc đòi phải có đại diện của Khmer Issarak và Pathet Lào.

Qua tháng 6-1954 có nhiều biến cố chính trị diễn ra giúp cho Hội Nghị vượt qua được giai đoạn trì trệ. Chính phủ của Thủ Tướng Joseph Laniel bị Quốc Hội Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 12-6 phải từ chức. Một tuần lễ sau, ông Pierre Mendès-France được Quốc Hội tín nhiệm để thành lập nội các mới sau khi ông cam kết sẽ chấm dứt được chiến tranh trong vòng một tháng, chậm nhứt là vào ngày 20-7-1954. Về phía Quốc Gia Việt Nam, Quốc Trưởng Bảo Đại chấp nhận sự từ chức của chính phủ Bủu Lộc và chỉ định ông Ngô Đình Diệm thành lập nội các mới vào ngày 17-6. Vào ngày 16-6, Thủ Tướng Chu Ân Lai, Trưởng Phái Đoàn Trung Quốc, nhượng bộ, không đòi hỏi phải có đại diện của Khmer Issarak và Pathet Lào nữa. Các vị Trưởng Phái Đoàn rời khỏi Hội Nghị để nhường chổ họp cho các vị chỉ huy quân sự. Trong thời gian nầy, các vận động bên ngoài Hội Nghị diễn ra dồn dập ở cả hai phe. Thủ Tướng Chu Ân Lai viếng thăm Ấn Độ và ngày 28-6 hai nước Ấn Độ và Trung Quốc ra thông cáo chung nhấn mạnh về quan hệ hữu nghị giữa hai nước đặt trên căn bản “5 nguyên tắc về sống chung hòa bình.” Sau đó họ Chu đến hội đàm với Hồ Chí Minh tại biên giới Hoa-Việt từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954. Về phía Anh thì cả Thủ Tướng Winston Churchill và Ngoại Trưởng Anthony Eden bay sang thủ đô Washington của Hoa Kỳ ngày 24-6 để họp bàn với Tổng Thống Dwight Eisenhower và Ngoại Trưởng John Foster Dulles. Ngày 28-6 Anh-Mỹ ra thông cáo chung tái xác nhận việc ủng hộ Pháp trong cuộc thương thuyết và ủng hộ cho việc hình thành một hệ thống phòng thủ chung tại Đông Nam Á. Anh-Mỹ cũng gởi một thông báo riêng cho Pháp nói rõ các điều kiện tối thiểu cần phải có cho một giải pháp về Đông Dương mà họ có thể chấp nhận được.

Sang tháng 7, tình hình biến chuyển càng nhanh hơn, thúc đẩy Hội Nghị sớm đi tới chổ kết thúc. Đầu tháng 7, quân đội Pháp rút khỏi Nam Định và các khu Bùi Chu, Phát Diệm. Dân chúng Hà Nội xôn xao và một số bắt đầu di tản vào Sài Gòn. Ngày 10-7-1954, nhựt báo Globe & Mail của Canada đăng tin là Hàng Không Việt Nam cho biết là các vé máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn cho đến ngày 27-7 đã bán hết.19 Ngày 12-7, các vị Trưởng Phái Đoàn các nước trở lại Hội Nghị. Ông Chu Ân Lai đề nghị ba nước Ấn Độ, Ba Lan và Canada tham gia vào Ủy Hội Quốc Tế. Ngày 14-7, nhựt báo Globe & Mail loan tin là Việt Nam sẽ bị cắt vào khoảng giữa 2 vĩ tuyến 16 và 18. Sau nhiều cuộc mặc cả rất gay go mà Ngoại Trưởng Molotov của Liên Xô đóng một vai trò rất quan trọng, đường ranh giới phân chia hai khu vực tập trung được ấn định tại vĩ tuyến 17. Ngày 18-7, Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam phản đối sự chia cắt nầy và đề nghị vào ngày 19-7 một giải pháp ngưng bắn mà không phải chia cắt. Đề nghị nầy bị Hội Nghị bỏ qua không thảo luận vì đã quá cận ngày 20-7 là thời hạn chót cho chính phủ Mendès-France. Ngày 20-7, các vị Ngoại Trưởng của ba nước Pháp, Anh và Liên Xô họp riêng rất nhiều lần và bản văn Hiệp Định ngưng bắn sau cùng đã được ký kết vào lúc 3 giờ 48 phút sáng ngày 21-7-1954 giữa tướng Jacques Delteil, đại diện cho Pháp, và Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu, đại diện cho Việt Minh.20

navigate to previous page of article navigate to next page of article