Chính Sách Ngoại Giao Của Canada Trong Thập Niên 1948-1957


Duới sự lãnh đạo của Thủ Tướng St. Laurent và Ngoại Trưởng Pearson, Canada đã xây dựng và thực thi một chính sách ngoại giao rất thực tiển và thích hợp với các điều kiện chủ quan và khách quan của Canada. Ngay từ tháng 1/1947, khi còn là Ngoại Trưởng, ông St. Laurent đã nêu ra một số nguyên tắc căn bản để làm nền tảng cho chính sách ngoại giao của Canada, theo thứ tự ưu tiên sau đây: 1) Sự đoàn kết quốc gia; 2) Quyền tự do về chính trị; 3) Sự tôn trọng luật pháp; 4) Các giá trị của nền văn minh Thiên Chúa Giáo; và, 5) Tinh thần trách nhiệm trong bang giao quốc tế.9

Nguyên tắc “đoàn kết quốc gia” được nêu lên như ưu tiên số một dựa trên điều kiện lịch sử đặc biệt của Canada, hình thành như một liên bang đặt căn bản trên sự kết hợp của hai sắc dân chính là Anh và Pháp. Sự tranh chấp giữa hai sắc dân nầy trong quá khứ, nhiều khi đưa đến xung đột đẫm máu, đã là một trong những trở lực chính làm cho Canada khó có được một chính sách ngoại giao thuần lý và ổn định. Điều nầy đã thể hiện rõ rệt nhứt trong vấn đề Canada tham chiến trong hai trận Thế Chiến và một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc tham chiến nầy là chính sách về động viên.

Sau nầy, khi “Chiến tranh lạnh” đã trở thành một thực tế không thể chối cải được nữa, Pearson đã thêm vào một nguyên tắc căn bản quan trọng khác : đó là vấn đề an ninh quốc gia. Ông chủ trương nền an ninh của Canada phải được đặt trong khuôn khổ một nổ lực quốc tế thể hiện bởi một chính sách về an ninh và phòng thủ chung.10 Dựa vào các nguyên tắc vừa kể, chính sách ngoại giao của Canada đã thể hiện hai đặc tính căn bản sau đây:

  • Canada là một “trung cường” đồng minh của Hoa Kỳ và các nước trong cộng đồng Đại Tây Dương
  • Canada ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp quốc tế trong khuôn khổ của tổ chức Liên Hiệp Quốc

“Trung cường,” theo định nghĩa của Soward, là các quốc gia do tầm vóc của lãnh thổ, do tài nguyên thiên nhiên, do ý nguyện sẳn sàng nhận lãnh trách nhiệm, do ảnh hưởng có được, và do tính cách ổn định của chế độ chính trị, đã rất gần với loại “đại cường.11 Canada là một trong số khá hiếm các nước đã hội được gần như là đầy đủ tất cả các điều kiện nêu trong định nghĩa nầy. Vai trò “trung cường” nầy hoàn toàn phù hợp với “lý thuyết về chức năng” do Thủ Tướng Mackenzie King chủ trương đối với tính cách hội viên của Canada trong Liên Hiệp Quốc.12 Lý thuyết nầy, nhằm mục tiêu dung hòa giữa hai quan niệm cực đoan về tính cách hội viên của Liên Hiệp Quốc, cho rằng mỗi quốc gia, do khả năng riêng, đều có thể đóng góp tích cực cho tổ chức trong một số lãnh vực nào đó. Lý thuyết nầy đã được Canada dùng làm nền tảng trong việc đề ra các tiêu chuẩn cho các quốc gia hội viên tham gia vào các ủy ban chuyên môn trong Liên Hiệp Quốc.

Trung cường Canada là một đồng minh gắn bó với Hoa Kỳ do điều kiện địa lý và kinh tế quyết định. Thế Chiến II đã cho thấy tính cách bất khả xâm phạm của lãnh thỗ Canada như một nước ở Châu Mỹ không còn đứng vững nữa và rõ ràng là Canada cần có một chính sách phòng thủ chung với đại cường láng giềng ở phía Nam. Liên minh nầy cần được đặt trong khuôn khổ của cộng đồng Đại Tây Dương vì liên hệ trực tiếp (do điều kiện lịch sử) với Anh-Pháp và vì mối tương quan văn minh Thiên Chúa Giáo với các nước khác. Trên căn bản nầy, Canada đã có một vai trò rất tích cực trong việc hình thành của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization, thường được gọi tắt là NATO).

Liên Hiệp Quốc là diễn đàn tập trung mọi cố gắng của Canada trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng, tranh chấp hoặc xung đột quốc tế. Canada đã đóng góp tích cực trong việc mưu tìm giải pháp trong các vụ tranh chấp quốc tế tại Trung Đông, Triều Tiên và Kashmir và đã đạt được kỷ lục về con số các lực lượng duy trì hòa bình do Liên Hiệp Quốc thiết lập mà Canada đã tham gia. Khi Nam Triều Tiên bị xâm lăng vào năm 1950, Canada đã ủng hộ sự đáp ứng ngay lập tức của Hoa Kỳ nhưng đã thúc đẩy để sự đáp ứng nầy chỉ xảy ra sau khi Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết công nhận sự đáp ứng đó là một hành động của Liên Hiệp Quốc.13 Nhờ các hoạt động nầy, Canada đã gây được uy tín lớn tại Liên Hiệp Quốc như là một trung cường rất tha thiết đến việc duy trì hòa bình trên thế giới. Nhờ vậy Canada đã được đề cử vào Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/1947.14 Riêng cá nhân Pearson, ông đã được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Hoà Bình vào năm 1957 do nổ lực dàn xếp của ông trong vụ khủng hoảng kinh Suez một năm trước đó.15 Cũng chính trong tinh thần nầy, Canada đã được đề cử tham gia vào Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến tại Việt Nam vào tháng 7/1954.

navigate to previous page of article navigate to next page of article