Hoạt Động Của Canada Trong UHQT


Ngay trong bản tuyên bố ngày 27-7-1954 của Bộ Ngoại Giao về việc chấp nhận tham gia vào UHQT, chính phủ Canada đã nhìn nhận rằng đó là một trách nhiệm đầy danh dự nhưng rất nặng nề và Canada “không có một ảo tưởng nào rằng công tác mà chúng ta sẽ đãm nhận sẽ dễ dàng hay nhanh chóng.”29 Mặc dù lấy làm tiếc rằng giải pháp về Đông Dương đã không được thực hiện trong khuôn khổ của tổ chức Liên Hiệp Quốc, Canada đã chấp nhận tham gia vào UHQT vì tinh thần trách nhiệm đối với việc duy trì hòa bình trên thế giới và vì Canada tin tưởng là UHQT nầy có nhiều cơ may để thành công hơn là UHQT đã được thành lập cho Triều Tiên. Ngày 17-8, chính phủ đề cử ông Sherwood Lett làm Đại Sứ, Trưởng Phái Đoàn Canada trong UHQT tại Việt Nam.30 Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên W.J. Herbert của đài CBC ngày 27-9-1954, Đại Sứ Lett cho biết tổng số nhân viên trong Phái Đoàn Canada là 140 người gồm 120 quân sự và 20 dân sự.31 Với tư cách là một nước đại diện cho phe thế giới tự do, phái đoàn Canada đặc biệt quan tâm đến việc thi hành điều khoản thứ 14 của Hiệp Định, nhứt là các đoạn c (về vấn đề nghiêm cấm kỳ thị và trả thù) và đoạn d (về quyền tự do di chuyển). Canada đã nhiều lần không hoàn toàn đồng ý với các báo cáo tạm thời của UHQT, đặc biệt là với Báo cáo tạm thời số 4, nên đã yêu cầu UHQT ghi vào báo cáo đó nguyên văn báo cáo thiểu số của Canada như là Tu Chính Án cho các đoạn văn từ số 24 đến số 34 của Chương V liên quan đến vấn đề tự do di chuyển. Trong Tu Chính Án nầy, Canada đã lên án Bắc Việt vi phạm nặng nề điều 14(d) của Hiệp Định, đặc biệt trong các vụ Phát Diệm, Trà Lý, Ba Làng, Lưu Mỹ, Thuận Nghĩa, Thọ Ninh và Xã Đoài. Ngược lại, phái đoàn Canada cũng đã xác nhận là các lời tố cáo của Bắc Việt về việc đồng bào Miền Bắc bị cưởng bức di cư vào Nam là hoàn toàn vô căn cứ. Canada cho biết là trong số 25.000 người mà UHQT đã tiến hành điều tra tại các trại di cư, không có ai cho là bị cưởng bức di cư vào Nam và không có một người nào ngỏ ý muốn được giúp đở để trở về Miền Bắc cả.32 Ngoài ra, khi thời hạn 300 ngày tự do di chuyển sắp chấm dứt và tin rằng vẫn còn có nhiều người muốn di cư vao Nam, phái đoàn Canada đã đề nghị kéo dài thời gian tự do di chuyển thêm hai tháng nữa, cho đến ngày 20-7-1955. Đề nghị nầy đã được UHQT đồng ý và chuyển đến hai phe liên hệ và được cả hai phe chấp thuận. Một cách tổng quát, xét về phương diện bỏ phiếu trong các quyết định của UHQT, Canada đã có phần nghiêng về phía ủng hộ Miền Nam hơn là Miền Bắc: 53% ủng hộ Miền Nam, và 47% ủng hộ Miền Bắc.33

navigate to previous page of article navigate to next page of article