Vài Nét Về Nền Ngoại Giao Của Canada


Sau khi trở thành một Dominion với đầy đủ quyền tự trị, trong một thời gian khá dài, Canada vẫn phải chịu dưới sự chi phối của Anh Quốc về ngoại giao. Mọi liên hệ với nước ngoài đều phải qua trung gian của các Bộ Thuộc Địa (Colonial Office) và Ngoại Giao (Foreign Office) ở Luân Đôn. Mãi đến năm 1909, Bộ Ngoại Giao của Canada (Department of External Affairs) mới được thành lập với một ngân sách rất khiêm tốn (chỉ có 13.350 đô la) và nhân sự chỉ gồm có một Thứ Trưởng, hai Tham Vụ và bốn nhân viên. Chức vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao do chính Thủ Tướng kiêm nhiệm. Cở sở của Bộ được đặt trên lầu một tiệm hớt tóc trên đường Bank ở thủ đô Ottawa.4 Trong khoảng hơn một thập niên, nhân viên của Bộ không vượt quá một Thứ Trưởng, ba phụ tá, với một số thư ký và nhân viên vừa đủ. Trong suốt thời gian nầy, ngoài một vị Cao Ủy (High Commissioner) tại Anh Quốc và một vị Tổng Đại Diện (Agent General) tại Pháp, cả hai đều không được hưởng quy chế ngoại giao, nhân viên ngoại giao duy nhứt mà Canada cử ra nước ngoài là vị Cố Vấn bên cạnh Hội Quốc Liên tại Genève, được đề cử vào năm 1925. Với sự vận động tích cực của Thủ Tướng William Lyon Mackenzie King, sau cùng Anh Quốc công nhận quyền ngoại giao của Canada qua bản Tuyên Bố Balfour năm 1926 và Canada đã thiết lập phái bộ ngoại giao đầu tiên tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ vào năm 1927. Trước khi Thế Chiến II bùng nổ, Canada đã có trao đổi ngoại giao với các nước Pháp, Nhật, Bỉ và Hòa Lan. Tại các nước khác, các nhà ngoại giao Anh vẫn còn tiếp tục trông nom quyền lợi của Canada.5 Khi Thế Chiến II bùng nổ, Thủ Tướng Mackenzie King đã triệu tập Quốc Hội, đề nghị tuyên chiến với Đức, và Quốc Hội đã chấp thuận việc tuyên chiến nầy một tuần lễ sau khi Anh tuyên chiến với Đức. Sự kiện nầy đánh dấu việc Canada đã thật sự làm chủ nền ngoại giao của mình.

navigate to next page of article