B.- TRIẾT LÝ NÀY CÒN ĐƯỢC MINH THỊ TRONG SỬ LIỆU CỔ THI (1)


Gần đây học giả Hán Chương Vũ Đình Trác cũng tìm thấy trong đại bộ Lĩnh Nam Di Thư tàng trữ nơi thư viện Đại Học Đông Kinh, tập tài liệu cổ quý giá nhan đề "Bách Việt Tiên Hiền Chí". Sách này do Âu Đại Nhậm, tự Trịnh Bá, đời Minh tuyển soạn, bao gồm 102 hiền triết Bách Việt. Trong số này có nhiều nhân vật quen thuộc như Phạm Lãi, Chu Mãi Thần, Vương Sung, Lý Tiến... Tư tưởng nổi bật của các vị tiên hiền đó quy về các đề tài chính: Triết lý Âm Dương, Triết Lý Tam Tài, Đạo Sống Quân Tử, Hiếu Đạo, Triết Lý Nông Nghiệp, Đạo Sống Thiên Nhiên. Bài tựa cho thấy Việt Câu Tiển đã có thời diệt Ngô xưng vương hùng cứ một phương, sáu đời gia công đánh Sở. Sở rất mạnh về thương mại, đánh bại Câu Tiển. Vũ Việt phân tán các con mỗi người một nơi: kẻ xưng Vương, người xưng Chủ khắp miền duyên hải Giang Nam. Đó là Bách Việt. Câu Tiển thâu hồi cả miền Dương Việt lập thành ba quận. Con cháu sau này quy phục Hán tộc, liên hiệp các miền thành Phù Việt, Mân Việt, Âu Việt và Lạc Việt. Sau này có Diêu Triệu thâu hồi dân Việt chung quanh, lập thành hai kinh Đông Tây (tức Quảng Đông và Quảng Tây). Thần dân Việt tộc có công nghiệp văn chương rải rác khắp bảy tám dặm miền duyên hải Giao Châu đã đem lại nhiều lợi ích. Cả hơn mười Việt tộc đã bị đồng hóa với Hán tộc, chỉ trừ Lạc Việt và Việt Thường tự cường mà tồn tại thành Việt Nam ngày nay.

Về điểm này, học giả Hán Chương nhận định tiếp: "Triết lý Âm Dương được xuất hiện dưới ngòi bút của các vị tiên hiền: Kế Nghi, Dưỡng Phấn, Quách Thương. Kế Nhi đề cập luật âm dương với ngũ hành. Dưỡng Phấn trình bày hậu quả của âm dương. Quách Thương nhấn mạnh dương đức là căn bản của chánh sách tu, tề. Đọc qua ba tiên hiền này, ta có cảm tưởng như dòng Bách Việt xưa coi âm dương là nguyên tố sinh tử của một hệ tộc. Cũng nhờ âm dương quân bình và dương đức cường thịnh mà hai hệ tộc Lạc Việt và Việt Thường còn tồn tại, để thành Việt Nam ngày nay. Nhờ dòng triết lý này, đạo sống quân bình Âm dương được thể hiện nơi người Việt muôn thuở, mà lịch sử tôn họ là dân anh hùng".

navigate to previous page of article navigate to next page of article