A. TRIẾT-LÝ NÀY ĐƯỢC DIỄN TẢ TRÊN MẶT TRỐNG ĐỒNG(1).


Theo truyền-thuyết, Hùng Vương trao ban 1600 trống đồng cho mọi chi tộc làm căn bản trị quốc. Nhưng khi Mã Viện sang đánh Trưng Vương, đã ra lệnh thu hết trống đồng về Trung Quốc. Trong số các trống đồng được khai quật sau này, tiêu biểu nhất là trống đồng tìm thấy ở chùa Long Đại Sơn, làng Ngọc Lũ, Hà Nam, và trống đồng tìm thấy ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Qua các hình vẽ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, người ta đọc được tất cả ý nghĩa truyền thống mà đức Hùng Vương đã truyền ban cho con dân ngàn đời để lập quốc, bảo quốc và hưng quốc. Các yếu tố đó là ánh sáng, âm thanh, việt điểu, hướng đi tả nhậm theo hướng mặt trời (ngụ ý thuận theo thiên lý, thiên mệnh), triết lý tam tài, âm dương, đời sống nông nghiệp và kiến trúc mái nhà cong. Học giả Hán Chương Vũ đình Trác đã gọi đây là hồn nước thể hiện trên mặt trống.

Những nét vẽ song trùng, diễn tả nguyên lý âm dương là hai yếu tố cơ động của trời đất, của muôn loài và của mọi biến thái trong cuộc sống. Trời đất, người vật, nam nữ, núi sông, Tiên Long, nóng lạnh, tối sáng, vui buồn, động tĩnh, sống chết, có không, ẩn hiện tất cả đều tương khắc, tương sinh hài hòa theo nguyên lý âm dương dịch biến. Song trùng vì chúng song song rồi giao nhau, gọi là giao chỉ, nói lên sự tương giao tương hòa giữa hai yếu tố âm dương tương khắc, biểu hiệu của tinh thần tương liên, hiệp nhất hài hòa.

Các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng: truyền thống văn hóa Viễn Đông phát khởi từ Bách Việt mà ra, trong đó có Việt Nam, trước cả Hán tộc, những đồ đào được tại Trung Quốc đều thuộc vùng Việt tộc. "Theo sử quan trống đồng Việt Nam, kiến trúc mái nhà cong của ta đã có trước Công nguyên ít gì cũng hàng ngàn năm. Trung Hoa chỉ có mái nhà cong từ đời nhà Đường, khoảng năm 630. Chính Đường Huyền Trang, pháp danh Đường Tam Tạng, sau khi thỉnh kinh ở Ấn Độ về, được vua Đường Cao Tông cho xử dụng Ngọc Hoa Cung làm chùa. Huyền Trang sửa lại cung thành chùa cũng theo kiến trúc mái thẳng, chưa có mái cong. Trước đó, năm 539, nhà Hán tu bổ miếu thờ Khổng Tử vẫn còn mái thẳng, như nhà Kim Thanh Ngọc Chấn, Đạo Quan Kim Cổ. Mái cong của Việt tộc tượng trưng cho sự vươn lên, hướng thượng, lên tới Thiên, đồng thời cũng là nét hài hòa giữa đường thẳng và vuông, để lập một sự cân đối giữa vuông tròn, là đường đi tới đạo sống toàn diện: bao quát trên dưới, trong ngoài, tả hữu và ba bề bốn bên".

navigate to next page of article